Mục Lục Series Phần I Phần II Phần III Học sinh và bạn bè khi nhắc đến tôi thường chỉ nghĩ tôi là một anh thơ thẩn, vẽ vời, đi mây về gió và cuối tuần hay say rượu. Tất nhiên tôi có thiên hướng nghệ thuật, nhưng nghệ thuật và văn chương không phải những môn duy nhất mà tôi tìm hiểu. Từ khá lâu rồi, có lẽ từ 2012, tôi quan tâm đặc biệt đến kinh doanh, nhất là startup. Tôi đã đọc gần như mọi đầu sách nổi tiếng về startup xuất bản tại Mỹ trong khoảng 8 năm nay và đến giờ vẫn chưa hết tò mò về nó. Phong trào tìm hiểu (và mở) startup phát triển rầm rộ ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây; người ta dịch nó thành “khởi nghiệp”. Giới kinh doanh nói chuyện startup đã đành, nhưng ngay cả sinh viên (tôi tiếp xúc với sinh viên hàng ngày) cũng có vẻ rất quan tâm và các bạn đọc khá nhiều về startup. Trong cơn say này, mọi người có vẻ đã quên béng rằng trước khi có startup, chúng ta từng có cái gọi là doanh nghiệp nhỏ (small business). Vậy doanh nghiệp nhỏ có phải startup không? Mở một shop quần áo, một tiệm café, như thế có được gọi là startup không? Cao cấp hơn nữa, mở một coworking space, một agency có được gọi là startup không? Nếu có thì tiệm café giống với những startup lớn như Uber, Airbnb ở điểm nào? Nếu không thì tại sao? Chúng ta đã nhầm lẫn hoàn toàn giữa hai tên gọi, và hễ cứ ai mở cái gì kinh doanh chúng ta đều gọi là startup. Ví dụ như tôi mở cái lớp dạy tiếng Anh bé tin hin nhưng bạn bè (một cách thực lòng chứ không phải trêu) liền gọi tôi là thằng startup. Như thế theo tôi chẳng đúng chút nào. Vậy startup là gì? Để trả lời gãy gọn cho câu hỏi ấy, tôi quyết định dịch một tiểu luận của Paul Graham, một nhà đầu tư nổi tiếng ở Sillicon Valley. Tiểu luận có tên “Startup = Growth”. Mọi hình ảnh và chú thích đều do tôi thêm vào. Startup là gì – Tóm lược Startup là một doanh nghiệp được thiết kế để tăng trưởng nhanh. Không phải bất cứ doanh nghiệp mới nào cũng là startup. Startup cũng không nhất thiết phải hoạt động trong ngành công nghệ, hay phải nhận vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm […]. Điều quan trọng duy nhất là tăng trưởng. Tất cả những thứ chúng ta đánh đồng với startup đều bắt nguồn từ tăng trưởng.[…] Gỗ đỏ Hãy bắt đầu với một sự khác biệt rõ ràng nhưng thường bị xem nhẹ: không phải doanh nghiệp mới nào cũng là startup. Ở Mỹ, mỗi năm người ta mở hàng triệu công ty. Chỉ một phần rất nhỏ trong số đó được gọi là startup. Phần lớn thuộc ngành dịch vụ: nhà hàng, tiệm cắt tóc, thợ sửa ống, v.v.v. Đây không phải startup, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Tiệm hớt tóc không được thiết kế để tăng trưởng nhanh. Một bộ máy tìm kiếm như Google chẳng hạn, thì có. Khi tôi nói rằng startup được thiết kế để tăng trưởng nhanh, tôi muốn nói hai ý. Thứ nhất, tăng trưởng ở đây nên hiểu là “có ý định tăng trưởng”, vì phần lớn startup thất bại trước khi kịp thực hiện điều đó. Thứ hai, so với một doanh nghiệp bình thường, startup khác ngay từ bản chất, cũng như một chồi cây gỗ đỏ có định mệnh khác hẳn so với một cây giá đỗ. Google vào năm 1999 Vì sự khác biệt đó nên người ta mới nghĩ ra một từ riêng để chỉ những công ty được thiết kế để tăng trưởng nhanh. Nếu tất cả công ty về cơ bản đều giống nhau, nhưng nhờ may mắn hoặc nỗ lực của các nhà sáng lập nên cuối cùng đạt tăng trưởng nhanh, thì chúng ta đã không cần một từ riêng để nói về nó. Chúng ta đã có thể chia ra làm công ty thành công nhiều và thành công ít. Nhưng trên thực tế, startup có bộ gen khác với các kiểu doanh nghiệp khác. Google không phải một tiệm hớt tóc nơi các nhà sáng lập làm việc chăm chỉ và trở nên may mắn một cách bất ngờ. Google khác biệt ngay từ lúc khởi đầu. Để tăng trưởng nhanh, bạn cần tạo ra một sản phẩm có thể bán cho một thị trường lớn. Đó là sự khác biệt giữa Google và một tiệm hớt tóc. Tiệm hớt tóc không có scale. Để một doanh nghiệp đạt quy mô lớn, nó phải (a) tạo ra sản phẩm nhiều người cần, và (b) tiếp cận và phục vụ tất cả những người đó. Tiệm hớt tóc làm tốt việc (a). Gần như tất cả mọi người đều cần cắt tóc. Vấn đề của tiệm hớt tóc, và của bất cứ doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ nào, nằm ở (b). Để nhận được dịch vụ cắt tóc, khách hàng phải đến tiệm, và ít ai muốn di chuyển quá xa chỉ để cắt tóc. Và ngay cả khi họ làm vậy, tiệm hớt tóc cũng không đủ công suất làm việc để phục vụ tất cả mọi người. Viết phần mềm là cách tuyệt vời để giải quyết (b), nhưng bạn vẫn có khả năng bị kìm hãm ở (a). Nếu bạn viết một phần mềm dạy tiếng Tây Tạng cho người nói tiếng Hungary, bạn sẽ có khả năng tiếp cận phần lớn những người cần nó, nhưng sẽ không có nhiều người như vậy. Nếu bạn viết phần mềm dạy tiếng Anh cho người Trung Quốc, bạn sẽ bước vào lãnh thổ startup. Phần lớn doanh nghiệp bị bó chặt ở (a) hoặc (b). Điểm khác biệt của startup thành công là nó thoát khỏi cả hai hạn chế đó. Ý tưởng Bạn sẽ nghĩ ngay rằng nếu như vậy thì mở một startup sẽ luôn luôn tốt hơn mở một doanh nghiệp bình thường. Nếu bạn sắp mở một công ty, tại sao lại không chọn loại công ty với tiềm năng lớn nhất? Vấn đề là thị trường có quy tắc riêng của nó. Nếu bạn viết phần mềm để dạy tiếng Tây Tạng cho người Hungary, sẽ ít người cạnh tranh với bạn. Nếu bạn viết phần mềm dạy tiếng Anh cho người Trung Quốc, bạn sẽ gặp phải cạnh tranh khốc liệt, đơn giản vì đó là miếng bánh ngon hơn nhiều. Những rào cản hạn chế một doanh nghiệp bình thường đồng thời cũng bảo vệ nó. Được cái này phải mất cái kia. Nếu bạn mở một tiệm hớt tóc, bạn chỉ phải cạnh tranh với những thợ cắt tóc địa phương. Nếu bạn tạo ra một máy tìm kiếm theo kiểu Google, bạn phải cạnh tranh với cả thế giới. Hạn chế của doanh nghiệp bình thường bảo vệ nó khỏi sự cạnh tranh, nhưng đó chưa phải điều quan trọng nhất. Các hạn chế này bảo vệ doanh nghiệp bình thường khỏi một thứ khó khăn hơn: việc phải nghĩ ra ý tưởng mới. Nếu bạn mở bar ở một thành phố nào đó, ngoài việc hạn chế tiềm năng của bạn và bảo vệ bạn khỏi đối thủ cạnh tranh ở quá xa, hạn chế về địa lý này cũng giúp định hình doanh nghiệp của bạn. Bar + thành phố = ý tưởng cho một doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ này áp dụng cho mọi công ty bị hạn chế ở (a). Cái khe hẹp bạn chui vào vừa bảo vệ, lại vừa xác định hình ảnh của bạn. Quán rượu yêu thích của tôi ở Hà Nội. Tôi đã ngồi đây mỗi tuần kể từ 2013. Trong khi đó nếu muốn có một startup, bạn cần nghĩ ra một thứ gì khá mới mẻ. Một startup phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của một thị trường lớn, và ý tưởng dạng đó quá đắt giá, đến mức tất cả những ý tưởng ngon ăn đã bị chiếm hết rồi. Những ý tưởng thuộc dạng cực tốt như vậy đã bị đào bới quá kỹ, nên một startup cần phải nghĩ ra một thứ gì đó mà tất cả đều bỏ qua. Tôi đã định nói rằng nhà sáng lập cần nỗ lực một cách có ý thức để tìm ra ý tưởng mà tất cả bỏ qua. Nhưng đó không phải cách phần lớn startup bắt đầu. Thông thường, các startup thành công bởi vì nhà sáng lập đủ khác biệt so với người bình thường, nhờ đó ý tưởng mà người khác không nhìn ra lại rất rõ ràng đối với họ. Có thể sau này họ nhìn lại và phát hiện rằng họ đã tìm ra ý tưởng nằm trong điểm mù của người khác, và từ đó nỗ lực một cách có ý thức để ở lại trong điểm mù này. Nhưng vào thời điểm startup sinh ra, phần lớn ý tưởng mới mẻ đều đến một cách vô thức. Các founder thành công luôn khác thường ở chỗ họ có thể nhìn thấy những vấn đề khác thường. Một sự kết hợp hoàn hảo là khi bạn vừa giỏi công nghệ, lại vừa bắt gặp những vấn đề có thể giải quyết được bằng công nghệ đó, bởi vì công nghệ thay đổi nhanh đến mức ý tưởng trước đây là tệ sẽ âm thầm trở thành tốt mà không ai để ý tới. Vấn đề của Steve Wozniak là ông ấy muốn một chiếc máy tính cá nhân. Vào năm 1975, đây là một vấn đề kỳ cục: không ai cần một chiếc máy tính cho riêng mình cả. Nhưng sự tiến bộ công nghệ khiến càng ngày càng có nhiều người muốn sở hữu máy tính. Vì Wozniak không những muốn một chiếc máy tính mà ông còn biết cách chế tạo ra chiếc máy tính đó, ông ấy tự làm cho mình một chiếc. Và vấn đề mà ông tự giải quyết cho chính mình trở thành vấn đề mà Apple giải quyết cho hàng triệu người trong những năm tiếp theo. Nhưng đến lúc cả những người bình thường cũng thấy đây là thị trường béo bở thì Apple đã đứng vững chân mất rồi. Steve Wozniak, bộ óc thực sự đứng sau những sản phẩm đầu tiên của Apple Google cũng có nguồn gốc tương tự. Larry Page và Sergey Brin muốn tìm kiếm thông tin trên web. Nhưng khác với phần lớn mọi người, họ vừa có chuyên môn kỹ thuật, lại vừa nhận ra được rằng các máy tìm kiếm tại thời điểm đó không đủ tốt, và họ biết cách cải thiện tình trạng này. Chỉ trong vòng vài năm, vấn đề của họ trở thành vấn đề của tất cả mọi người, vì mạng internet đã phát phình ra đến mức bạn không cần là chuyên gia tìm kiếm mới thấy được rằng các thuật toán cũ không còn dùng được nữa. Cũng như với Apple, đến thời điểm tất cả đều nhận ra máy tìm kiếm quan trọng thế nào thì Google đã lớn mạnh mất rồi. Đó là mối liên hệ đặc biệt giữa ý tưởng startup và công nghệ. Sự thay đổi mạnh mẽ trong một ngành sẽ khai phá các vấn đề lớn, có khả năng giải quyết được, trong các ngành khác. Đôi khi sự thay đổi chỉ là bước tiến mới từ cái cũ, và cái mà bước tiến này thay đổi là solubility, tức là khả năng một vấn đề có thể giải quyết được hay không. Đây chính là loại thay đổi đã tạo ra Apple; tiến bộ về công nghệ chip cuối cùng đã cho phép Steve Wozniak thiết kế được một chiếc máy tính hợp túi tiền. Nhưng trong trường hợp Google, sự thay đổi quan trọng nhất là sự tăng trưởng của mạng internet. Ở đây, cái thay đổi không phải solubility mà là độ lớn của thị trường. Sự liên hệ khác giữa startup và công nghệ là startup tạo ra cách mới để làm những việc cũ, và hiểu theo nghĩa rộng, cách mới để làm những việc cũ chính là công nghệ mới. Khi một startup bắt đầu với một ý tưởng bộc lộ ra do công nghệ thay đổi và tạo ra một sản phẩm sử dụng công nghệ (hiểu theo nghĩa hẹp – trước đây được gọi là “công nghệ cao”), hai mối quan hệ giữa startup và công nghệ có thể gộp làm một. Nhưng hai quan hệ này khác nhau và trên nguyên tắc, bạn có thể mở một startup không được thúc đẩy bởi thay đổi công nghệ, hoặc không sử dụng công nghệ hiểu theo nghĩa hẹp. (còn nữa)