Cái gu cho nhà thiết kế (I)

Mục lục bài viết

Phần I

Phần II

Phần III


 

“Corpenicus cho rằng thuyết đẳng thước (equant) không đủ đẹp, và chỉ vì thế mà ông đã quyết lật đổ cả hệ Ptolemy” – Thomas Kuhn, The Copernican Revolution

“Tất cả chúng tôi được đào tạo bởi Kelly Johnson và ông dạy chúng tôi phải tin tuyệt đối rằng một cái máy bay có ngoại hình đẹp nhất định cũng sẽ bay đẹp.” – Ben Rich, Chương trình Skunk Works

“Cái đẹp là yếu tố hàng đầu: toán học xấu xí không có chỗ đứng lâu dài” – G. H. Hardy, A Mathematician’s Apology

Các nhà sáng lập trường nghệ thuật trứ danh Bauhaus

Gần đây tôi nói chuyện với một anh bạn dạy ở MIT. Ngành của anh ấy đang là mốt và mỗi năm hàng ngàn sinh viên nộp đơn ứng tuyển. Bạn tôi nhận xét rằng “Nhiều sinh viên có vẻ thông minh. Nhưng tôi chẳng biết liệu tụi nó có chút gu thẩm mỹ nào không nữa.”

Gu. Bây giờ hiếm khi người ta nhắc đến từ ấy. Nội hàm của từ này rất quan trọng, dù bạn đặt cho nó tên gì đi nữa. Ý của bạn tôi là anh ấy muốn sinh viên không những phải là người giỏi chuyên môn kỹ thuật, mà còn phải biết sử dụng chuyên môn ấy để thiết kế ra những thứ đẹp đẽ.

Nhà toán học thường khen một công thức toán là “đẹp”, và dù trong quá khứ hay hiện tại, nhà khoa học, kỹ sư, nhạc sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà văn, họa sĩ, tất cả đều dùng chung một từ như vậy: “đẹp”. Đây liệu có phải là sự ngẫu nhiên, hay quả thực họ đều nghĩ về cùng một thứ? Nếu suy nghĩ của họ trùng lặp với nhau, liệu chúng ta có thể sử dụng tiêu chuẩn đẹp của ngành này để suy ra cái đẹp ở ngành khác không?

Đối với những người làm công việc thiết kế, đây không chỉ là câu hỏi mang tính lý thuyết. Nếu cái đẹp là có thật, chúng ta cần học cách nhận biết nó. Chúng ta cần gu thẩm mỹ để làm ra được những thứ đẹp đẽ. Thay vì xem cái đẹp như một khái niệm trừ tượng khó nắm bắt, hãy suy nghĩ về câu hỏi thực tế này: Làm thế nào để tạo ra một sản phẩm tốt?

Nếu bạn đề cập đến cái đẹp, mọi người sẽ nói ngay rằng đẹp xấu tùy từng người đánh giá, nó hoàn toàn chủ quan. Họ thực sự tin và cảm thấy như vậy. Khi họ thích một thứ gì đó, họ không thể giải thích được tại sao. Có thể vì nó đẹp, hoặc vì mẹ họ từng có một thứ giống vậy, hoặc họ thấy một ngôi sao điện ảnh cầm nó trên tạp chí, hoặc vì họ biết nó rất đắt. Suy nghĩ của họ về cái đẹp là một mớ hỗn độn những cảm xúc nhất thời và vô lý.

Khi còn nhỏ, phần lớn chúng ta được dạy rằng không nên đánh giá về cái đẹp. Nếu bạn trêu thằng em mình vì nó tô người màu xanh lá cây, mẹ sẽ bảo bạn rằng “Con thích tô màu này thì em thích tô màu kia, thế nào mà chẳng đẹp”.

Lúc này mẹ bạn không hề dạy bạn những sự thật quan trọng về mỹ học. Mẹ chỉ muốn hai đứa đừng cãi nhau.

Cũng như rất nhiều sự thật nửa vời mà người lớn thường nói với trẻ con, điều này mâu thuẫn với những điều khác mà người lớn nói. Sau khi ghim vào đầu bạn rằng cái đẹp là tùy cảm nhận mỗi người, mẹ chở bạn đến bảo tàng và nói rằng bạn cần hết sức chú ý vì Leonardo là một họa sĩ tuyệt vời.

Lúc này điều gì xảy ra trong đầu đứa trẻ? Nghệ sĩ tuyệt vời nghĩa là sao? Sau nhiều năm được dạy rằng đẹp xấu chỉ là tương đối, đứa trẻ khó có thể đi đến kết luận rằng tranh của họa sĩ vĩ đại sẽ đẹp hơn tranh của những người khác. Một giả thuyết phù hợp hơn với vũ trụ quan theo kiểu Ptolemaic của đứa trẻ là nó sẽ cho rằng họa sĩ giỏi là một thứ “tốt cho bạn”, giống như súp lơ vậy, vì trong sách người ta dạy như thế.

Tuyên bố rằng “xấu đẹp tùy sở thích cá nhân” là một cách tốt để tránh cãi vã. Vấn đề là nó không đúng sự thật. Bạn cảm thấy điều này khi bạn bắt đầu thiết kế bất cứ cái gì.

Dù bạn làm nghề gì, xu hướng tự nhiên của bạn luôn muốn làm việc ấy tốt hơn. Cầu thủ muốn thắng nhiều trận đấu. CEO muốn kiếm thêm nhiều tiền. Bạn muốn làm công việc của mình tốt hơn vì nó mang lại niềm kiêu hãnh và sự mãn nguyện. Nhưng nếu công việc của bạn là thiết kế, nhưng cái đẹp lại chẳng có thật, vậy thì chẳng có cách nào để bạn làm việc tốt hơn. Nếu xấu đẹp tùy vào sở thích cá nhân thì mỗi người đều đã hoàn hảo rồi: bạn thích cái đếch gì cũng được, hết chuyện.

Giống như trong mọi công việc khác, nếu bạn tiếp tục làm thiết kế, bạn sẽ thiết kế tốt hơn. Gu thẩm mỹ của bạn sẽ thay đổi. Và, giống như bất cứ người nào tiến bộ trong công việc, bạn sẽ biết là mình đang tiến bộ. Nếu vậy, gu trước đây của bạn không chỉ khác biệt, nó còn tệ nữa. Cái câu xấu đẹp tùy sở thích hóa ra chẳng đúng tí nào.

Chủ nghĩa tương đối đang là mốt, và nó có thể cản trở sự phát triển gu thẩm mỹ của bạn. Nếu bạn chui ra khỏi đáy giếng và thú nhận với bản thân rằng có thiết kế xấu và thiết đẹp, vậy thì bạn có thể bắt đầu học thiết kế được rồi. Gu của bạn đã thay đổi ra sao? Khi bạn mắc lỗi thiết kế, điều gì khiến bạn mắc lỗi ấy? Những người khác biết gì về thiết kế mà bạn không biết chăng?

Một khi bạn bắt đầu tự hỏi những câu này, bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng quan niệm cái đẹp ở nhiều ngành nghề khác nhau hóa ra lại giống nhau. Những nguyên tắc phổ quát cho một thiết kế đẹp dần hiện rõ.

 

Thiết kế tốt thì đơn giản

Điều này đúng trong mọi ngành, từ toán học đến hội họa. Trong toán học, một phép chứng minh càng ngắn gọn thì càng hay. Hay như người ta vẫn nói, less is more. Trong môn lập trình cũng vậy. Đối với kiến trúc sư và nhà thiết kế, nguyên tắc này chỉ ra rằng cái đẹp chỉ nên phụ thuộc vào một vài yếu tố cấu trúc được lựa chọn cẩn thận, thay vì một đống những thứ trang trí lòe loẹt và vô dụng. (Sự trang trí tự nó không xấu, nó chỉ xấu khi được dùng để che đậy những thiết kế kém cỏi). Cũng như vậy, trong hội họa, một tranh tĩnh vật vẽ vài đồ được lựa chọn có chủ đích sẽ đẹp hơn nhiều so với một tranh gồm cả đống những thứ sặc sỡ nhưng tẻ nhạt. Trong nghề viết lách, “đơn giản” có nghĩa là nói điều bạn định nói, và nói ngắn thôi.

Bất cứ chiếc kéo nào cũng có thể trở thành ví dụ cho tính đơn giản trong thiết kế: nó đẹp, thể hiện công năng của sản phẩm rất rõ ràng (nhìn vào cái kéo người ta hiểu ngay phải sử dụng nó ra sao) và bạn không thể tìm ra một chi tiết nào thừa thãi

Nhấn mạnh vào sự đơn giản có vẻ hơi kỳ cục. Ai cũng nghĩ rằng đã thiết kế tất nhiên phải thiết kế đơn giản rồi. Vì trang trí màu mè tức là thêm việc, chẳng ai muốn thêm việc cả. Nhưng khi chúng ta làm công việc sáng tạo, điều ngược lại sẽ xảy ra. Các nhà văn nghiệp dư luôn chọn tông giọng màu mè khác xa với cách nói hàng ngày. Designer trẻ gồng mình thể hiện chất nghệ và vẽ ra mấy thứ hoa hòe hoa sói nhảm nhí. Họa sĩ mới vào nghề ông nào cũng tuyên bố “Tôi theo trường phái Biểu Hiện (Expressionism)” rồi vẽ ra những thứ kỳ quặc. Tất cả những người ấy đều đang trốn tránh một thực tế là những gì họ tạo ra đều rỗng tuếch, và đó là điều đáng sợ.

Khi bạn bị ép phải trở nên đơn giản, bạn đồng thời cũng bị ép phải đối mặt với vấn đề thực sự. Khi bạn không được phép làm những thứ màu mè, bạn buộc phải tạo ra chất lượng.

 

Thiết kế tốt sẽ tốt vượt thời gian

Trong toán học, mọi mệnh đề đều có giá trị vĩnh cửu trừ khi nó chứa lỗi sai. Vậy ý của Hardy là gì khi ông ấy nói rằng “toán học xấu xí” không thể nào tồn tại mãi? Ông ấy muốn nói cùng một điều như Kelly Johnson: nếu nó xấu, nó không thể là phương án tốt nhất. Phải có một cái tốt hơn, và cuối cùng bao giờ cũng có người tìm ra nó.

Nhắm tới tính vĩnh cửu là một cách để ép chính mình tìm ra lời giải tốt nhất: nếu bạn có thể tưởng tưởng ai đó vượt qua mình, bạn nên tự làm điều đó trước. Nhiều bậc thầy làm việc này tốt đến mức hậu thế chẳng còn gì mà làm nữa. Bất cứ nhà điêu khắc nào sinh sau Durer đều phải sống dưới cái bóng khổng lồ của Durer.

Nhắm tới tính vĩnh cửu cũng là cách để tránh khỏi những trào lưu nhất thời. Mốt luôn thay đổi theo thời gian, vậy nên nếu bạn thiết kế ra một thứ vẫn được coi là đẹp trong tương lai xa, vậy sức cuốn hút của sản phẩm đó là từ chất lượng chứ không phải do mốt nhất thời.

Thật lạ là, nếu bạn muốn làm cho thế hệ tương lai thích sản phẩm của mình, có một cách đơn giản là thử làm cho các thế hệ trước thích nó. Khó mà đoán tương lai sẽ ra sao, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng tương lai giống quá khứ ở một điểm: nó chẳng quan tâm mốt hiện tại là gì. Vậy nếu cả người hiện tại và người năm 1500 đều thích sản phẩm của bạn thì người sống năm 2500 cũng sẽ thích.

 

Thiết kế tốt giải quyết đúng vấn đề

Một cái bếp điển hình có 4 hố đun xếp thành hình vuông và 4 núm vặn để điều khiển chúng. Bạn sẽ xếp 4 núm vặn thế nào? Câu trả lời đơn giản nhất là xếp chúng thành hàng ngang.

Một điển hình cho thiết kế tồi: các núm vặn bố trí hàng ngang khiến người dùng không hiểu núm nào điều khiển hố đun nào

Nhưng đó là câu trả lời đơn giản cho một câu hỏi sai. Mấy nụm vặn đó cho con người dùng, và nếu bạn xếp nó thành hàng ngang, mỗi lần dùng người ta sẽ phải dừng lại để nghĩ xem núm nào điều khiển hố đun nào. Tốt hơn cả là sắp xếp núm vặn theo hình vuông giống 4 hố đun.**[…]

 

Thiết kế tốt thì gợi mở

Tiểu thuyết của Jane Austen gần như không bao giờ có đoạn miêu tả; thay vì kể cho bạn cái này cái kia trông ra sao, bà ấy kể câu chuyện giỏi đến mức bạn tự tưởng tượng ra mọi thứ. Cũng như vậy, một bức tranh gợi luôn hấp dẫn hơn một bức tranh tả thực. Mọi người nhìn Mona Lisa và tự nghĩ ra câu chuyện của mình.

Một trong vô vàn các bản biến tấu bức Mona Lisa

Trong kiến trúc và thiết kế, nguyên tắc này có nghĩa là một tòa nhà hoặc đồ vật sẽ cho phép bạn dùng nó theo cách bạn muốn: một tòa nhà tốt sẽ có chức năng như hậu cảnh làm nền cho cuộc sống của chủ nhà, thay vì bắt chủ nhà phải sống theo cách mà kiến trúc sư muốn.

Trong phần mềm, nó có nghĩa là bạn nên cho người dùng một vài tùy chọn đơn giản để họ tự kết hợp theo ý muốn, giống như Lego. Trong toán học nó có nghĩa là một mệnh đề đóng vai trò nền tảng cho nhiều công trình mới thì tốt hơn là một mệnh đề khó hiểu nhưng lại chẳng gợi mở ra khám phá mới nào[…]

 

Xem tiếp phần IIphần III


* Bài trên đây dịch từ Taste for Makers, một tiểu luận rất nổi tiếng của Paul Graham. Tôi đã lược bỏ một số đoạn nói về kỹ thuật quá khó hiểu đối với người đọc phổ thông. Hình minh họa và chú thích đều là của tôi.

Đọc một tiểu luận khác của Paul tại đây: Sinh nhầm thành phố: bạn có nên bỏ Hà Nội ngay hôm nay?

** Khi viết đoạn này, ắt hẳn Paul Graham đã nhớ đến phần “Mapping” trong cuốn sách kinh điển về thiết kế: The Design of Everyday Things.

 

Lớp Méo Miệng
Sắp Khai Giảng!