Đeo đồng hồ để làm gì?

Ngày nay bạn có thể xem giờ ở khắp nơi: trên điện thoại, trên laptop, trên smart watch, trên TV, thậm chí trên nồi cơm điện. Hiếm khi chúng ta phải hỏi “mấy giờ rồi” và việc đeo đồng hồ trên tay có vẻ hơi thừa thãi. Nhưng chỉ hơn mười năm trước, việc xem giờ chưa tiện lợi đến vậy.

Tôi nhớ hồi 2006, tôi thường đạp xe lên lên thư viện British Council trên đường Cát Linh. Thư viện mở ca chiều lúc 1:30. Để đến đúng giờ, tôi thường phải nhìn đồng hồ treo tường của những nhà mặt phố, vì đạp xe từ nhà tôi lên thư viện mất 45 phút, rất khó ước lượng thời gian di chuyển mà không có đồng hồ. Thời điểm này điện thoại di động đã bắt đầu phổ biến nhưng chưa phải smartphone. Và dù điện thoại đã có chức năng hiển thị giờ, ít người xem giờ trên điện thoại: màn hình hiển thị không đẹp. Vì thế đến đầu 2000, đồng hồ vẫn là một phụ kiện không thể thiếu đối với nhiều người, ra đường quên đồng hồ cũng ngang với quên đi dép.

Ai muốn xem giờ trên chiếc điện thoại xấu thế này?

Đến khi iPhone mở đầu thời đại của những chiếc điện thoại di động đẹp và tiện lợi, việc xem giờ trên đồng hồ dần trở nên lỗi thời; có khi bất tiện nữa, vì mọi người đã cầm chiếc di động đi khắp nơi. Người ta có thể quên cả xe máy gửi ở chợ chứ không thể quên điện thoại. Apple Watch ra đời năm 2015 là tiếng chuông báo tử cho đồng hồ đeo tay analog: có lẽ không ai cần nó nữa. Trừ những chiếc đồng hồ chuyên dụng cho thợ lặn hay HLV thể thao, có lẽ không còn lý do logic nào để một người bình thường dùng tới đồng hồ. Nhưng con người không phải những sinh vật logic, vì vậy đồng hồ đeo tay vẫn tiếp tục sống. Người ta vẫn đeo đồng hồ vì nhiều lý do. 

Thứ nhất là sự tiện lợi. Smartphone hay smart watch đều phải sạc pin, và vì được sử dụng liên tục, chúng thường hết pin vào lúc ta cần nó nhất. Đồng hồ thì khác. Một cái đồng hồ quartz chạy pin có thể chạy tới 2 năm mới cần thay pin khác. Đồng hồ máy cơ (automatic) có thể chạy mãi mãi nếu bạn đeo nó vài tiếng mỗi ngày, cót đồng hồ tự nạp nhờ chuyển động của tay. Ngay cả khi đồng hồ chết, bạn chỉ cần lắc vài lần để nó hoạt động trở lại.

Không phải ai đeo đồng hồ cũng vì muốn xem giờ. Rất nhiều người coi nó như đồ trang sức và chẳng quan tâm đồng hồ có hoạt động hay không. Andy Warhol, ông tổ của pop art, thường đeo một chiếc Cartier Tank, nhưng ông không bao giờ dùng nó để xem giờ và không bao giờ lên giây. “Tôi đeo Tank vì nó đẹp.” – Warhol trả lời báo New York Times vào năm 2017. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ, những người thường chọn đồng hồ không dựa trên lịch sử hay hệ máy mà chỉ quan tâm đến hình thức: mặt tròn hay vuông, đính kim cương hay làm bằng vàng đúc. Một chiếc đồng hồ đẹp trên cổ tay sẽ nâng tầm mọi outfit mà bạn chọn.

Yves Saint Laurent đeo trên tay chiếc Cartier Tank trứ danh

Có người xem đồng hồ như của để dành cho con cháu. Thay vì mua vàng hay trang sức, họ mua một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, vì giá trị của nó thường tăng theo thời gian. Năm 1996, hãng Patek Philippe tung ra chiến dịch quảng cáo Generations với slogan huyền thoại “You never actually own a Patek Philippe. You merely look after it for the next generation.” Người ta không mua Patek để xem giờ. Nó là món đồ quý tồn tại được qua nhiều thế hệ và đứng ngang hàng với những đồ gia bảo khác.

Tuy nhiên những việc trên đều tầm thường. Đồng hồ làm được một việc khác sâu sắc hơn: nó cho bạn cảm nhận đặc biệt về thời gian. 

Thời xưa con người không có khái niệm chính xác về thời gian trong ngày, vì nhanh chậm vài phút hay thậm chí cả tiếng không phải chuyện gì quan trọng trong các xã hội trước cách mạng công nghiệp. Người ta đo thời gian bằng những đơn vị mơ hồ như ‘“một tuần trà”, “một tuần hương”, “đủ nhai giập miếng trầu”, “ngọn sào đứng bóng”, tiếng gà kêu, hoặc thậm chí dựa vào loại hoa nào đang nở. Carl Linnaeus, nhà thực vật học người Thụy Điển, từng sáng tạo ra một cái “flower clock”, một khu vườn giúp chủ nhân xem được giờ trong ngày dựa vào việc quan sát xem bông hoa nào trong vườn đang nở hoặc đã tàn. 

Con người thời xưa khó có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa 1 giây và 10 giây. Nhưng người đeo đồng hồ có thể quan sát bằng mắt thường sự qua đi của 1 giây, đánh dấu bằng việc chiếc kim mỏng nhất trên mặt số lướt đi 1 bước. Chiếc đồng hồ đeo tay giúp chuyển một khái niệm mơ hồ như thời gian thành một hình ảnh trực quan chỉ với 12 cọc số và 3 cây kim. Ý nghĩa thị giác của đồng hồ lớn tới mức với một người đeo đồng hồ lâu năm, hai kim chồng lên nhau về phía trên nghĩa là giờ ăn trưa, hai kim vươn ra theo chiều dọc nghĩa là giờ tan sở; họ bỏ qua bước quy đổi đây là 12h trưa, kia là 6h chiều. Cũng vì cách tư duy này, khi nhìn số trên đồng hồ điện tử, họ phải mất thời gian quy đổi chúng về vị trí kim mặt đồng hồ để hình dung ra thời gian lúc đó. Bạn hẳn đang nghĩ rằng di động cũng có thể hiển thị mặt đồng hồ mà. Nhưng đáng tiếc nó chỉ là một chiếc đồng hồ ảo không cầm nắm được. Dù màn hình điện thoại có thể mô phỏng mặt đồng hồ với đầy đủ 3 kim chuyển động, so sánh nó với một chiếc đồng hồ analog cũng giống như bảo xem porn và làm tình là hai việc như nhau.

Việc nhìn thấy thời gian trôi qua bằng mắt thường là trải nghiệm độc nhất vô nhị; nó là phần thưởng cho những kẻ cứng đầu vẫn đeo trên tay mấy cỗ máy chạy cót lỗi thời trong một thế giới đầy smart watch và iPhone. Trong tương lai không xa, chiếc đồng hồ đeo tay dần sẽ trở thành biểu tượng cho những kẻ gàn dở và chống đối nhận ra nhau trên đường.

Lớp Méo Miệng
Sắp Khai Giảng!