Lịch sử như chúng ta được biết ngày nay là một lịch sử gồm các sự kiện cực đoan (extreme). Người ta có thể kể tên các trận đánh lớn nhất, các đế chế hùng mạnh nhất, các ông vua tàn bạo nhất. Ngay ở thời hiện đại, chúng ta cũng chỉ quan tâm đến những ví dụ cực đoan: tỉ phú nào giàu nhất, tập đoàn nào thất bại ê chề nhất, diễn viên nào xinh đẹp nhất. Cuộc đời của Elon Musk hay Steve Jobs được báo chí khai thác đến từng chi tiết tủn mủn như đôi giày họ thích hay đĩa nhạc họ nghe; và tương tự, thất bại khủng khiếp của Nokia hay Yahoo được nghiên cứu tường tận đến mức chúng ta có thể biết chính xác từng ngày từng tháng chuyện gì đã xảy ra và nguyên nhân nào dẫn đến thất bại của họ. Chìm trong thế giới lưỡng cực này, ta quên mất còn có những người “nearly make it”, tức những người ở cùng một hoàn cảnh, cùng một khung thời gian với cùng một khả năng hành động như những ví dụ cực đoan trên, nhưng vì hành động chậm hoặc đưa ra một quyết định sai lầm nên họ không đạt được thành tựu extreme (hoặc thất bại extreme) và vì thế, không ai nhớ tới họ. Tôi tin rằng “nearly make it” là trải nghiệm mà ai cũng có trong đời: đứng thứ nhì lớp, đạt giải ba trong một cuộc thi bơi… Chúng ta thấy hào quang của người về nhất, đứng ở vị trí có khả năng về nhất, nhưng chúng ta không làm được. Tại sao vậy? Mọi người đều biết rằng Napoleon có xuất phát điểm là một sĩ quan bình thường; chỉ sau sự kiện bắn đại bác trực diện vào đám đông để dẹp loạn, Napoleon mới trở thành siêu sao trong quân đội và thăng tiến chóng mặt. Nhưng hãy nghĩ về đêm trước khi Napoleon quyết định bắn đại bác: đã có bao nhiêu sĩ quan và tướng tá có cùng khả năng hành động và cùng cơ hội hành động như Napoleon, nhưng vì họ không hành động nên tên tuổi của họ đã biến mất vĩnh viễn trong lịch sử. Khi Altair 8800, chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới ra đời, tạp chí Popular Electronics đăng quảng cáo tìm người viết ngôn ngữ lập trình cho nó. Hàng trăm nghìn người nhìn có được thông tin ấy, và có lẽ hàng trăm người trong số đó có khả năng viết được một ngôn ngữ lập trình, nhưng chỉ có Bill Gates và cộng sự Paul Allen bắt tay vào việc ngay, vì thế công ty Microsoft ra đời. Phim Pirates of Silicon Valley có đoạn Paul Allen chạy vào phòng đưa cho Bill Gates tờ báo Popular Electronics và nói “Cuộc cách mạng đã bắt đầu mà không có chúng ta.” Vào khoảnh khắc nhóm Bill Gates quyết tâm hành động, hàng trăm người khác với cùng khả năng và cùng cơ hội đang làm gì? Có bao nhiêu người bỏ qua, bao nhiêu người chậm trễ, bao nhiêu người cũng hành động nhưng thất bại? Họ là ai, đã làm gì đúng hay đã làm gì sai, chúng ta hoàn toàn không biết. Nếu các thành tựu/ thất bại extreme cung cấp cho ta bài học quý giá, liệu các ví dụ “nearly make it” có chứa bài học thậm chí còn đáng giá hơn? Thôi nói vậy thôi. Mình đang sưu tầm tài liệu để viết một bài nghiêm chỉnh về đề tài này, các bạn chờ nhé.