Chỉ đọc tiêu đề có lẽ nhiều bạn đã gật đầu đồng ý luôn mà không cần ai chứng minh thêm nữa. Trải nghiệm tệ ở các lớp học ngoại ngữ không còn là đề tài xa lạ: người ta kêu ca về cơ sở vật chất, về giáo viên, về tài liệu học… Nhưng thường gặp nhất là các phàn nàn liên quan đến hiệu quả lớp: học xong khóa tiếng Anh cả trăm triệu mà vẫn phải giao tiếp với sếp tây qua Goole Translate, ngồi xem Netflix vẫn phải bật phụ đề. Những thất bại này ít được soi xét cách nghiêm túc. Vì sao các lớp học lại thất bại trong việc giúp học sinh sử dụng ngoại ngữ trên thực tế, đặc biệt với hai kỹ năng nghe và nói? Các lý giải tủn mủn theo hướng “học ngữ pháp và làm bài tập vẫn rất cần thiết, nhưng phải luyện tập thêm bên ngoài” hay “học tiếng phải có thời gian, phải mất nhiều năm mới đạt tới trình độ nghe nói thành thạo” đều không thuyết phục. Thất bại trong việc dạy ngoại ngữ xuất phát từ một sai lầm mang tính hệ thống hơn: chúng ta thất bại vì người học và người dạy đứng ở hai thế giới khác nhau – thế giới SPOKEN và thế giới WRITTEN. Căn bệnh học ngoại ngữ: nghe mãi vẫn không hiểu tiếng nước ngoài VODKA HÀ NỘI VÀ VODKA THỤY ĐIỂN Cũng như nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng hoặc đá, mỗi ngôn ngữ tồn tại dưới hai dạng song song: SPOKEN và WRITTEN. Cũng như đá và nước lọc có tính chất khác nhau, tiếng Anh SPOKEN và tiếng Anh WRITTEN là hai thế giới riêng biệt, mặc dù cùng là tiếng Anh. Khi học tiếng (ở đây tạm loại trừ mục đích đi thi lấy bằng) mục tiêu cuối cùng của học sinh là dùng nó trong môi trường thực tế (authentic), ví dụ như xem phim hay trò chuyện, tức là những mục tiêu thuộc hệ SPOKEN. Nhưng ở lớp học, giáo viên luôn luôn dạy ngữ pháp (chia động từ, cấu trúc câu và làm bài tập), tức là hệ WRITTEN. Ngay cả khi học nghe – nói, hoạt động phổ biến chỉ là nghe hội thoại mẫu và tập nói theo các hội thoại/ mẫu câu được giáo viên nghĩ sẵn hoặc bê trong sách giáo trình ra – tức là ĐỌC BẰNG MỒM những nội dung của hệ WRITTEN, không phải dạy SPOKEN thực sự. Mọi chuyện không có gì đáng nói nếu SPOKEN và WRITTEN khác nhau theo kiểu vodka Absolut khác với vodka Hà Nội. Chẳng sao cả, dù khác nhau, bạn vẫn nhận ra nó là vodka và uống vào vẫn say. Nhưng thật đen cho giáo viên và học sinh, SPOKEN và WRITTEN lại khác nhau theo kiểu nước lọc với nước đá: bạn có thể uống hết một cốc nước lọc nhưng không thể tọng cả khối đá to bằng cái cốc vào mồm. Vậy cụ thể chúng khác nhau như thế nào? THÂN LỪA ƯA NẶNG Cần cả một đề tài nghiên cứu để chỉ ra hết khác biệt giữa tiếng Anh SPOKEN và WRITTEN. Để minh họa cho bài viết, ở đây tôi chỉ đưa ra một số khác biệt tổng quan như sau. a) Vocabulary (từ vựng): SPOKEN chung chung – hàm lượng thông tin thấp / WRITTEN cụ thể – hàm lượng thông tin cao Do hạn chế về thời gian chuẩn bị và nguồn lực tâm trí (mental resources), SPOKEN luôn ưu tiên các từ đơn giản, đặc biệt là từ một âm tiết vì chúng dễ đọc và tiết kiệm thời gian nói (vì ngắn). Ví dụ: other, thing, do, go, have, hate, be, good. Trái lại, do không chịu hai hạn chế trên, hệ WRITTEN luôn có xu hướng dùng những từ phức tạp, mang thông tin phong phú. Thay vì good, người ta dùng tremendous, thay vì hate, abominate nghe hay hơn. b) Syntax (cú pháp): SPOKEN đơn giản / WRITTEN phức tạp. Hệ WRITTEN chịu ảnh hưởng từ nguồn tài liệu viết, đặc biệt là văn chương, vì thế chúng áp dụng cấu trúc câu phức tạp, nhiều cụm bổ nghĩa (heavily modified by clauses). Câu WRITTEN có thể dài tới 50 – 100 từ. Ở thế giới SPOKEN, do phần lớn speaker không có trình độ học thức quá cao, đặc biệt do họ không thường xuyên tiếp xúc với ngôn ngữ viết (not written-language immersed), nên một câu trong hệ SPOKEN luôn ngắn và mỗi câu chỉ bao gồm một chủ ngữ cộng một động từ, không đi kèm cụm bổ nghĩa. Một câu WRITTEN điển hình: By doing so, we will be able to build societies in which each one feels valued, appreciated and appropriately compensated for their own vocation or specialization. Một câu SPOKEN điển hình: Seen Jim lately? c) Khác biệt về syntax và vocabulary dẫn đến khác biệt về mật độ thông tin (density of information). Hệ WRITTEN chứa hàm lượng thông tin rất lớn, toàn bộ thông tin được đưa ra cùng một thời điểm. Hệ SPOKEN có xu hướng chia nhỏ khối thông tin và giới thiệu chúng lần lượt thành nhiều mảnh nhỏ. WRITTEN: A fantastic red wooden table (thông tin cô đọng, xuất hiện cùng lúc) SPOKEN: I love the table, it’s fantastic. And the wood, not sure what it’s called. But it’s nice also. Painted all red of course. (mật độ thông tin mỏng hơn) d) Trong thế giới SPOKEN, việc nói cho người khác hiểu (performance) là mục tiêu tối cao, trong khi WRITTEN lại quan tâm đến hình thức câu chữ (styles) rất nhiều. Việc truyền tải thông điệp mới là yếu tố quan trọng Hệ SPOKEN yêu cầu rất ít từ người nói (syntax đơn giản, vocabulary đơn giản), vì thế học sinh nên được khuyến khích học nói ngay từ những buổi đầu tiên. Đáng tiếc có một suy nghĩ phổ biến rằng muốn nói tiếng Anh trước hết phải học kỹ ngữ pháp và từ vựng, còn nghe/ nói là những kỹ năng ở tầm cao hơn, vì thế học sinh cứ phải học đi học lại những quy tắc ngữ pháp rườm rà trong nhiều năm (khoảng 10 năm ở trường phổ thông) và cuối cùng áp dụng chúng lên hệ SPOKEN, và tất nhiên hứng lấy thất bại. Trên thực tế, trật tự ngược lại mới đúng: nghe/ nói là những kỹ năng tầm thấp và cần được dạy ngay lập tức cho người mới học; đọc/ viết mới là bộ kỹ năng cao hơn (cần cả trình độ tư duy và kiến thức). Vậy tại sao các lớp học vẫn dạy hệ WRITTEN? ĂN NGON NGỦ YÊN Lý do đầu tiên cho sự thống trị của hệ WRITTEN trong các lớp học ngoại ngữ nằm ở trình độ chuyên môn của người dạy: phần lớn không ý thức được sự khác biệt mang tính hệ thống giữa WRITTEN và SPOKEN, dẫn đến việc mù quáng dạy theo các sách giáo trình mà không quan tâm đến mục tiêu SPOKEN của học sinh. Nhưng ngay cả khi biết được sự tồn tại song song của hai hệ thống, và khi biết dạy WRITTEN cho một lớp học 20 người lớn đặt mục tiêu SPOKEN thì hoàn toàn không ổn, giáo viên vẫn sẽ chọn dạy hệ WRITTEN, vì nhiều lý do. Thứ nhất, hệ WRITTEN đặt giáo viên ở vị trí quyền lực tuyệt đối. Thật dễ chịu khi bạn có thể đọc bài viết của học trò và nói chắc nịch rằng nó đúng hay sai. Đúng sai ở hệ WRITTEN được quy ước rõ ràng trong sách ngữ pháp hoặc có thể kiểm chứng bằng sách vở của các tác giả nổi tiếng. Như đã nói ở trên, WRITTEN được thừa hưởng nguồn tài nguyên viết với bề dày hàng trăm năm; đây là điểm tựa vững chắc cho các thầy giáo. Hệ WRITTEN giúp người dạy làm chủ tình huống 100%. Dạy WRITTEN cũng giúp giáo viên khỏi phải nhức đầu, vì hệ SPOKEN làm dấy lên nhiều câu hỏi: Học phát âm chuẩn có quan trọng không (em thấy trên phim họ nói từ này không giống trong từ điển) Sao câu điều kiện này không thuộc 4 loại mà sách dạy? Tại sao họ nói thiếu trợ động từ? (như trong câu Seen Jim lately) Vân vân. Và câu hỏi kinh khủng nhất: làm thế nào dạy hệ SPOKEN cho hiệu quả trong một lớp 20 người lớn với thời lượng 90 phút? Tôi không thể tập nói với từng người được! Hệ SPOKEN đặt ra thách thức rất lớn cho cả người dạy lẫn người học. Thứ nhất vì tự bản thân hệ này đa dạng: người miền bắc nói khác người miền nam, người Mỹ dùng từ khác người Anh… Giáo viên khó có thể tóm tắt hết những khác biệt này trong 10 – 20 buổi dạy, chưa tính đến việc cho học sinh luyện tập chúng ngay trên lớp. Thứ hai, tài liệu dạy cho hệ SPOKEN vẫn rất thiếu thốn. Nhu cầu học nói ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, chỉ mới xuất hiện từ sau Thế Chiến thứ Hai. Trước thời điểm này, việc học nói ngoại ngữ hoàn toàn vô ích, vì số đông không thể đi ra nước ngoài (không có phương tiện di chuyển) và cũng không có người nước ngoài nào sống cạnh bạn. Bạn thậm chí không bao giờ được nghe một ngoại ngữ trên thực tế, vì không có băng đĩa hay internet. Chỉ có hệ WRITTEN là cần thiết cho việc thông thương (ngoại giao và thuế má), cho nên tài liệu học ngoại ngữ theo kiểu WRITTEN được phát triển từ sớm và hình thành một nguồn tài nguyên dồi dào. Sự áp đảo của hệ WRITTEN so với SPOKEN có thể thấy rõ nhất qua việc người Việt Nam học tiếng Trung Quốc. Dù nhiều thế hệ học thứ tiếng này trong cả ngàn năm, mỗi khi giao thiệp với Trung Quốc, các sứ giả ta đều dùng “bút đàm”, tức là viết lên giấy cho nhau đọc chứ không nói được. Đến tận thế kỷ XX, một nhà nho uyên bác như Phan Bội Châu khi gặp nhà cách mạng Lương Khải Siêu ở Yokohama cũng vẫn giao tiếp qua bút đàm. Một trường hợp điển hình khác là nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, dù uyên bác về Hán học, ông tự nhận rằng mình đã bỏ qua việc học phát âm tiếng Trung Quốc, vì chẳng nói với ai bao giờ (lúc này đã về cuối thế kỷ XX). VẬY NGƯỜI HỌC PHẢI LÀM GÌ? Trong lúc các giáo viên loay hoay thoát khỏi thế giới WRITTEN và xây dựng đường đi cho hệ SPOKEN, học sinh đành phải tự bơi để cứu lấy chính mình. Lời khuyên thứ nhất là điều chỉnh cách học. Nếu muốn thành công trong hệ SPOKEN, bạn phải rời bỏ hệ WRITTEN bằng cách tiếp xúc nhiều hơn với thế giới nói: xem phim không phụ đề, nghe nhạc không đọc lyrics, yêu người Mỹ để nói chuyện hàng ngày, vân vân. Bạn phải tạm rời xa thế giới WRITTEN. Muốn nói tiếng Anh mà đi học ngữ pháp thì cũng giống như muốn tay to mà lại đi tập chạy, bạn chỉ nhận được thất vọng ê chề mà thôi. Lời khuyên thứ hai là điều chỉnh kỳ vọng của bản thân. Việc này cần thực hiện trước khi đến lớp học: bạn cần biết chắc nội dung lớp học có khớp với mong muốn của bạn hay không. Tôi thấy rất nhiều bạn đăng ký học IELTS tốn tới 50 – 60 triệu với mục đích…nói được tiếng Anh ở chỗ làm(!?). Nghe những câu chuyện như vậy tôi thực sự nể và muốn xin contact đội sale về làm việc cho lớp của tôi. Kỳ vọng của bạn và nội dung lớp cần nằm chung một thế giới, và quan trọng nhất là giáo viên phải ý thức được sự tồn tại của hai thế giới song song này để hướng dẫn học sinh. Làm được điều đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được thật nhiều thời gian và tiền bạc để dành cho những việc có ích hơn (như là nuôi mèo). Đọc bài tiếp theo tại đây: TẠI SAO BẠN KHÔNG NGHE ĐƯỢC TIẾNG ANH? 3 LÝ DO VÀ CÁCH KHẮC PHỤC