“…a film like this is largely a cerebral experience: You enjoy it because of what you know about film, not because of what it knows about life.” – nhà phê bình Roger Ebert nói về Chungking Express Vương Gia Vệ là một trong số ít đạo diễn trên thế giới đưa tác phẩm của mình đạt đến tình trạng “cultish”, có nghĩa là phim của họ (đôi khi chỉ một bộ phim thôi) được người hâm mộ sùng bái hết sức và gây ra hiệu ứng phân cực rõ rệt: bạn hoặc rất yêu hoặc rất ghét phim ấy. Trong điện ảnh phương Tây ta dễ dàng tìm thấy những tác phẩm thuộc loại này. Salò, or The 120 Days of Sodom của Pier Paolo Pasolini là một ví dụ điển hình. Một mặt người ta chê trách đây là phim khiêu dâm trá hình, kinh tởm và gây buồn nôn. Mặt khác, nhiều nhà phê bình xem đây là kiệt tác vì nó khiến khán giả đánh giá lại các quan điểm chính trị và tình dục sẵn có. Pulp Fiction (Quentin Tarantino, 1994) hay Fight Club (David Fincher, 1999) là những bộ phim tương tự: bạn chỉ có thể rất thích hoặc rất ghét chúng mà thôi. Phim Châu Á ít khi tạo ra hiệu ứng kiểu này, có lẽ vì ở phương Đông, đưa ra ý kiến quá trái ngược với đám đông thường có hại cho sự nghiệp và đôi khi cả tính mạng của người nghệ sĩ. Ở Việt Nam, phim Vương Gia Vệ có cộng đồng hâm mộ và tất nhiên có cả cộng đồng anti fan riêng. Những người sùng bái Vương Gia Vệ không thể hiểu tại sao có người ghét thần tượng của mình: họ không thể hiểu tại sao nhạc hay như thế, màu đẹp như thế, diễn viên xinh như thế, mà có người chê được. Theo tôi hiểu, ở Việt Nam, phim Vương Gia Vệ thường bị phê phán là “chả có nội dung gì” hoặc “không có bài học gì ý nghĩa”. Nhân vật cứ đi ăn rồi nói chuyện vu vơ với nhau, thế là hết phim. Mà đúng thế thật. Ai xem Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express) chắc đều thấy sốt ruột với những đoạn hội thoại tầm thường giữa Phi và cảnh sát số 633 tại tiệm đồ ăn nhanh của ông chú. Trong Đọa Lạc Thiên Sứ (Fallen Angels), ta thấy sát thủ Ming ngồi ăn burger trong một cửa hàng McDonald’s trống không cạnh một cô gái điên khùng: hai nhân vật thậm chí chỉ ngồi ăn mà không nói chuyện. Vốn đã quen với những bài văn mẫu theo kiểu “rút ra thông điệp từ tác phẩm”, nhiều khán giả Việt tất nhiên thấy hụt hẫng. Nhưng phim, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, không nhất thiết phải kể một câu chuyện (tức là không nhất thiết phải đánh vào phần logic của khán giả). Nghệ thuật trước hết là phương tiện giúp nghệ sĩ tái tạo lại một cảm xúc nào đó tới khán giả, khiến cho khán giả được sống trong cái mood mà nghệ sĩ trải qua khi tạo thành tác phẩm. Vivaldi muốn bạn cảm thấy điều mà ông cảm thấy khi bốn mùa trôi qua; những thứ có thể nhìn thấy bằng mắt thường như tuyết rơi hay chim bay đều không quan trọng. Cũng như vậy, Vương Gia Vệ muốn bạn sống trong cảm giác yêu đương và thất tình, câu chuyện tình yêu cụ thể ra sao không quan trọng. Đặt câu hỏi về cốt truyện tức là bạn đặt sai câu hỏi. Khi quay những bộ phim như Đọa Lạc Thiên Sứ, ông muốn khán giả được sống trong bầu không khí của Hong Kong – nhưng không phải thành phố Hong Kong trên thực tế mà là Hong Kong lãng mạn trong trí tưởng tượng của đạo diễn. Trong một bài phỏng vấn, Vương Gia Vệ kể rằng có người đã đến thăm Hong Kong sau khi xem phim, nhưng họ phàn nàn rằng Hong Kong ngoài đời trông…hoàn toàn khác. Sự phân tích lằng nhằng đôi khi không cần thiết. Krzysztof Kieślowski, đạo diễn phim The Double Life of Veronique, từng nói rằng “Vì tin quá nhiều vào lý trí, thế hệ của chúng ta đã đánh mất quá nhiều”. Còn bạn, bạn yêu hay ghét phim Vương Gia Vệ vậy?