Ở Hà Nội người dân không có cái thú tao nhã là đứng thơ thẩn chờ tàu điện ngầm như trong phim tây, nhưng bù lại chúng ta có món đặc sản là ngồi trên xe máy chờ tàu hỏa qua đường. Có một lần chờ tàu ở đường Giải Phóng, vì trời mưa to không lôi điện thoại ra nghịch được, tôi đành thưởng thức tiếng còi hú để giết thì giờ. Tu tu khú khù khụ. Tàu hỏa Hà Nội lúc nào cũng thở mệt như một ông cụ leo cầu thang sắp ngất. Mà đứng ở đường Giải Phóng tôi mới nhớ ra đã lâu lắm rồi không còn nghe thấy tiếng còi tàu hỏa từ nhà mình. Nhà tôi cách đường xe lửa hai cây số, hồi bé mỗi ngày nghe thấy tiếng còi hú vài lần. Buổi sáng có khi không để ý, nhưng ban đêm kiểu gì cũng nghe rõ mồn một tiếng còi đi từ xa tới gần rồi lại xa. Bây giờ tàu hỏa vẫn chạy, sao tôi không nghe thấy nữa? Tiếng còi tàu đột ngột mang tôi về lại Hà Nội những năm 90, theo đúng cách mùi bánh madeleine mang Proust về lại nước Pháp thế kỷ 19. Khi quan sát sự thay đổi của một thành phố, chúng ta thường chỉ quan sát những thay đổi về mặt hình ảnh: nhiều nhà cao tầng hơn, nhiều xe cộ hơn, nhiều biển quảng cáo hơn. Nhưng nếu nhắm mắt lại, ta sẽ thấy cảnh quan âm thanh của Hà Nội cũng đã thay đổi nhiều trong vòng hơn hai mươi năm qua. Điều dễ thấy nhất là thời trước tiếng động bên ngoài dễ lọt vào nhà hơn; trong đó tiếng tàu hỏa chỉ là một ví dụ điển hình. Một ngày ở nhà vào năm 96 nghe như thế nào? Buổi sáng chắc chắn mở màn bằng bằng tiếng gà gáy, tiếng rít thuốc lào của các ông bố, và tiếng trong xóm người lớn gọi trẻ con dậy đi học. Tiếng loa phường xua nốt cơn ngái ngủ trước khi dân thành phố đạp xe đi làm. Ngày Chủ Nhật thì có thêm tiếng í ới chỉnh ăng ten tivi từ trên các nóc nhà để xem cho nét chương trình Ét Vê 96 do Lại Văn Sâm và Tạ Bích Loan dẫn. Buổi trưa cả ngõ sẽ ồn ào tiếng nấu cơm rửa bát; buổi chiều sôi động với tiếng trẻ con đi học về, tiếng gọi nhau đun nước tắm, hoặc tiếng tivi nhà bên vọng sang với những bộ phim tuổi thơ như Bí Mật Của Alex Mack (và sau này là Cô Gái Đại Dương). Vì truyền hình năm 96 ngừng chiếu sớm, buổi tối rơi vào yên tĩnh khá nhanh, trừ đôi lúc có tiếng rao “Ai bánh mỳ bánh ngọt đây” hiện ra rồi biến mất trong tíc tắc như bong bóng xà phòng. Năm 2022 còn ai ngồi trong nhà mà nghe thấy tiếng rao Ai bánh mỳ bánh ngọt nữa? Đến cả tiếng Ai đồng nát sắt vụn tôi còn hiếm khi được nghe. Âm thanh năm 2022 gói gọn trong những tiếng động ở nhà mình thôi, và phần lớn phát ra từ chiếc tai nghe cắm vào điện thoại hoặc laptop. Đó là những tiếng ồn được chúng ta lựa chọn và tắt mở tùy ý, trái ngược với đủ loại âm thanh vu vơ trôi từ bên ngoài vào như hồi năm 90. Quay lại tiếng còi tàu đường Giải Phóng. Nhà tôi vẫn đấy, đường Giải Phóng vẫn đấy, tàu vẫn chạy, vậy tại sao tôi không nghe thấy gì? Và nữa, hàng xóm vẫn đấy, tại sao tôi không còn nghe thấy tiếng của họ như xưa? Âm thanh thay đổi có lẽ vì kết cấu nhà Hà Nội đã thay đổi sau 30 năm trời. Nhà tôi từng nằm trong một cái ngõ nhỏ ở rìa quận Hai Bà Trưng cũ. Nhà nào cũng một, hai tầng thôi, mái lợp ngói hoặc tôn, cửa nẻo đều làm bằng gỗ tạm bợ nên khả năng cách âm với bên ngoài hạn chế. Thành phố toàn nhà thấp, tạo khoảng trống cho những âm thanh lớn như tiếng còi tàu hỏa trôi đi xa hơn, vì thế hồi bé tôi mới nghe thấy tiếng còi tận đường Giải Phóng. Ngày nay nhà xây chắc chắn hơn, nhà nào cũng bốn năm tầng bê tông cốt thép, thêm cửa kính chống ồn rồi lại cửa cuốn tự động bọc kín cái tai của gia chủ khỏi những âm thanh không mong muốn. Tức là về mặt thính giác, chúng ta sống trong các bong bóng riêng biệt, không còn liên quan tới bên ngoài. Lý do thứ hai không kém phần quan trọng là sự xao nhãng trong tâm hồn. So với thời 90 khi mà tivi chỉ chiếu theo giờ thì ngày nay ta có nhiều thứ giải trí hơn. Bất cứ lúc nào rảnh tôi đều nhìn vào điện thoại hoặc laptop, hoặc cắm tai nghe nhạc hoặc coi Youtube linh tinh. Ngay cả hoạt động được cho là yên tĩnh và lành mạnh như đọc sách hay tập thể dục thì nhiều người vẫn thích đeo airpods để nghe nhạc, thay vì lắng nghe những tiếng động ngẫu nhiên từ bên ngoài. Trong thế giới âm thanh, tai nghe không dây như airpods chẳng khác nào vũ khí hủy diệt: nó giết chết mọi âm thanh bên ngoài để bảo vệ cái bong bóng thính giác của mỗi cá nhân. Cũng như việc xã hội chủ nghĩa nhường chỗ cho tư bản, chúng ta từng đóng góp âm thanh nghe chung với nhau, còn bây giờ của ai người nấy nghe! Như đã thấy, cảnh quan âm thanh của thành phố ba mươi năm trước khác bây giờ nhiều, và bây giờ chắc cũng khác so với ba mươi năm nữa. Khác không chỉ vì nhà cửa và xe cộ thay đổi mà còn vì chính giọng nói của con người thay đổi. Umberto Eco nhận xét rằng khi ông nghe đĩa nhạc của Caruso, ông luôn băn khoăn tại sao giọng hát Caruso lại khác Pavarotti đến vậy. Liệu có phải vì kỹ thuật thu âm trước kia thô sơ, hay giọng con người ở đầu thế kỷ 20 quả thực khác với giọng chúng ta bây giờ? Chúng ta biết đầu thế kỷ trước con người ăn ít đạm hơn và thấp bé hơn, vậy rất có lý khi nghĩ rằng sau 100 năm cơ quan phát âm cũng có sự thay đổi lớn. Quay lại năm 96. Có nhiều ảnh chụp Hà Nội năm 96, hoặc thậm chí ảnh từ thời 1906 thuộc Pháp. Nhưng hình nhưng không có ai từng ghi lại âm thanh trên đường phố Hà nội thời kỳ đó. Ngay cả khi có người ghi âm lại, các bản ghi ấy cũng khó sống sót qua thời gian. Những băng cối, băng cát xét hay đĩa than từ năm 90 giờ chắc chắn đã hỏng hết. Những đĩa mềm (floppy disk) và đĩa CD-ROM, công nghệ tiên tiến nhất hồi 2000, nếu nay không mốc rỗ thì cũng chẳng còn thiết bị nào đọc nổi. Kiếm cái máy quay đĩa than còn dễ hơn kiếm máy đọc đĩa mềm. Những vật lưu trữ âm thanh lạc hậu mang theo xuống mồ (và xuống bãi rác) tiếng động của bao nhiêu xã hội đã qua. Tôi nổi da gà khi nghĩ rằng chúng ta không biết thành phố này từng nghe ra sao và chỉ có thể nhớ về nó qua những hình ảnh im lặng. Ngày nay âm thanh được lưu trữ số, nhưng nếu một sự cố kỹ thuật nào đó làm cho kho lưu trữ âm thanh số ấy hỏng mất, thế hệ sau có lẽ sẽ nhớ về chúng ta như những nhân vật phim câm của Charles Chaplin: chẳng biết nói và trông buồn buồn.