Khởi đầu từ một lớp học vô danh có từ năm 2007, chúng tôi xuất hiện chính thức lần đầu vào 2014 với cái tên dài loằng ngoằng “Chiếp’s Class of Eloquent English”. Đi kèm theo dòng tagline mà tôi nghĩ tận 1 phút mới ra: “Lớp tiếng Anh quy mô nhỏ tại Hà Nội”. Dòng tagline này sau đó được nhiều nơi mang về sử dụng, nhưng vì không hiểu rõ lý do sâu xa nên hầu hết đều sửa lung tung hoặc cuối cùng bỏ mất, chỉ riêng chúng tôi vẫn dùng nó trong mọi quảng cáo suốt 8 năm nay. Thế “lớp tiếng Anh quy mô nhỏ” nghĩa là gì? Hồi 2010s cứ nghĩ đến học tiếng Anh là người ta nghĩ đến các trung tâm lớn với phòng ốc đẹp sáng choang và ngồi được 30 – 50 người/lớp. Kể cả lớp học tại gia của các thầy nổi tiếng cũng không bao giờ dưới 30 người. Với xuất phát điểm eo hẹp là một phòng học 10m2 ngồi được 8 người, chúng tôi bắt buộc phải định vị cho mình cho khéo để không phải cạnh tranh với các lão làng. Chúng tôi chọn “quy mô nhỏ” làm unique selling point, ý rằng đến lớp Chiếp thì căng nhất chỉ có 8 người, dành cho những ai thích ngồi yên tĩnh vắng vẻ. Quy mô nhỏ còn ám chỉ sự gần gũi. Tôi từng đi dạy trung tâm lớn và biết rằng giáo viên không ai buồn nhớ tên mấy chục học sinh cả, học sinh cũng chỉ đến học rồi về, gần như chẳng quen nhau. Ở chỗ tôi thì khác. Tám người một lớp thì có gì mà không nhớ được tên? Rồi thì ít người nên tôi tổ chức được nhiều hoạt động trên lớp để mọi người có thể nói chuyện với nhau suốt ngày và thân thiết với nhau hơn. Dần dần nó tạo ra một thế giới đối lập, giữa một bên là các ông lớn na ná nhau và vô cảm, còn một bên là Chiếp Class: bé như cái mắt muỗi nhưng vui. Vậy ba chữ “Quy mô nhỏ” tóm gọn sự phản kháng của chúng tôi với những trung tâm mang tính “công nghiệp”, nơi phòng học đông đúc không ai biết ai, đến chỉ học rồi đi về. Chiếp Class thì nhỏ hơn và thân thiện hơn, đã đi học chắc chắn là vui và sẽ có bạn mới. Tinh thần “nhỏ và vui” này đã định hướng chúng tôi suốt từ năm 2014, kể cả khi lớp lớn hơn và số lượng ghế nhảy cóc dần dần lên 17. Trong 8 năm mày mò này, nhiều lớp học học cũng đi theo quy mô nhỏ như một lựa chọn tự nhiên (vì mới đầu ai to ngay cho được?). Dần dần thì cái sự “nhỏ” không còn là đặc sản riêng của Chiếp Class nữa. Thế bây giờ ai cũng nhỏ với vui hết rồi thì chúng tôi khác biệt ở đâu? Sau khi suy nghĩ, tôi chọn ra một chữ phản ánh đúng hơn hình ảnh của lớp trong những năm gần đây: chúng tôi đã thành ra một lớp tiếng Anh CỔ ĐIỂN! Chúng tôi cổ điển trong cả hai mặt: cách dạy và nội dung. Về cách dạy, lớp chọn con đường thực hành nghe – nói (good old practising) ngay từ buổi 1, đối lập với phương án dạy quá nhiều lý thuyết (ngữ pháp, ngữ âm), hoặc quá chú trọng các bài thi (nặng ngôn ngữ viết) như IELTS, TOEIC. Thực hành nghe nói là phương pháp học cổ xưa nhất và nhanh nhất. Logic của nó thật quá đơn giản: nếu bạn muốn nói tiếng Anh với đồng nghiệp Mỹ thì cách nhanh nhất là tập nói giọng Mỹ từ buổi 1. Sa đà vào bất cứ thứ gì khác (phonetics, ngữ pháp, IELTS) đều là đi đường vòng, tốn thời gian vô ích. Muốn xem được phim bạn hãy xem phim từ buổi 1, đừng học mấy list từ vựng làm gì. Chính tôi cũng từng mắc lỗi sa đà vào dạy phonetics. Mấy năm gần đây phần này ở lớp Méo Miệng đã bị lược đi nhiều, chỉ còn mang tính chất giới thiệu để mọi người tự tìm hiểm thêm. Nguyên tắc thực hành nghe/ nói được đề cao đến mức không buổi học nào không có module nói hoặc xem phim, kể cả ở Xếp Chữ, một lớp vốn thuần lý thuyết. Tóm lại về phương pháp dạy, lập trường của chúng tôi là pratice, đối lập với phương án dạy lý thuyết quá nhiều – vừa tốn thời gian vừa không giúp bạn nói thêm được câu tiếng Anh nào cả. Phần thực hành là mọi người tự nói với nhau, chủ đề tiến dần từ dễ đến khó, từ “quán cà phê yêu thích” đến “nỗi khổ của người xinh đẹp”. Chúng tôi không dùng những topic “đi thi” như bảo vệ môi trường hay toàn cầu hoá. Phần nghe không nghe băng từ các giáo trình trôi nổi trên mạng mà là từ việc xem phim được cắt và lựa chọn cẩn thận. Chúng tôi cực đoan trong việc thực hành. Về mặt nội dung, chữ “cổ điển” cũng miêu tả đúng hơn những gì Chiếp Class dạy tại lớp. Ví dụ như chúng tôi không khuyên học sinh dùng từ điển Oxford OALD như mọi nơi khác đều khuyến nghị mà giới thiệu cho học sinh một cuốn từ điển cổ có tên Webster 1913. Theo ý tôi thì chỉ có những thứ được kiểm nghiệm qua thời gian mới đáng dùng, còn lại đồ mới cứ phải chờ thêm đã. Trên lớp hay chiếu phim, đa số là phim vintage. Phim vintage thường có màu sắc đẹp, cộng thêm nhiều yếu tố lịch sử – văn hoá đi kèm, xem đến đâu tôi sẽ giải thích đến đó nên mọi người vừa được học tiếng vừa được làm quen với văn hoá; tiết kiệm kha khá thời gian tự lần mò. Bạn nào học Méo chắc không quên được bài giới thiệu về đạo Thiên Chúa và Kinh Thánh mà tôi hay giảng cuối mỗi buổi 3. Hiểu biết sơ lược về tôn giáo này là nền tảng giúp bạn có khả năng thưởng thức sâu hơn nghệ thuật phương Tây. Còn ở lớp viết văn Presto thì khỏi phải nói, giáo trình Presto không chừa một tác giả classic nào hết. Vậy là sau hành trình 8 năm, Chiếp Class đã hóa từ một lớp tiếng Anh quy mô nhỏ thành một lớp tiếng Anh cổ điển. Định hướng mới này sẽ là tiền đề cho một số khóa học mới toanh sắp ra lò, các bạn chờ nhé.