Mục lục bài viết Phần I Phần II Phần III Thiết kế tốt xuất hiện đồng loạt * Florence thế kỷ 15 đã sinh ra Brunelleschi, Ghiberti, Donatello, Masaccio, Filippo Lippi, Fra Angelico, Verrocchio, Botticelli, Leonardo, và Michelangelo. Milan thời đó cũng là thành phố lớn như Florence. Bạn kể tên được bao nhiêu họa sĩ Milan? Có điều gì đó đã xảy ra ở Florence vào thế kỷ 15. Và nó không thể do di truyền, bởi vì điều đó không hề xảy ra ngày nay. Bạn phải giả định rằng bất cứ tài năng thiên bẩm nào mà Leonardo và Michelangelo có, những người sinh ra ở Milan cũng có. Điều gì đã xảy ra với chàng Leonardo sinh ra ở Milan? Dân số Mỹ ngày nay gần gấp 1000 lần dân số Florence thế kỷ 15. Một ngàn Leonardo và một ngàn Michelangelo đang sống giữa chúng ta. Nếu gien di truyền làm nên thiên tài, chúng ta sẽ đụng mặt các thiên tài hội họa mỗi ngày. Nhưng chúng ta chẳng gặp được ai cả, bởi vì để trở thành Leonardo, bạn cần nhiều hơn là tài năng thiên bẩm của Leonardo. Bạn còn cần phải sống ở Florence vào năm 1450 nữa. Không gì ảnh hưởng mạnh mẽ cho bằng một cộng đồng những người tài năng cùng làm việc về những vấn đề liên quan đến nhau. Gien chẳng có ý nghĩa mấy: sở hữu bộ gien giống Leonardo không đủ để bù cho việc bị sinh ra gần Milan thay vì Florence. Ngày nay chúng ta di chuyển nhiều hơn, nhưng những công trình vĩ đại vẫn luôn được sinh ra chỉ ở một vài điểm nóng: trường Bauhaus, Manhattan Project, tờ New Yorker, Chương trình Skunk Works của Lockheed, hay Xerox Parc. Các nhà khoa học trong dự án chế tạo bom nguyên tử đầu tiên – Manhattan Project Ở bất kỳ thời điểm nào, luôn có một vài vấn đề nóng và một vài nhóm đang giải quyết các vấn đề đó một cách xuất sắc, và bạn gần như không thể tự làm ra thứ gì vĩ đại nếu như bạn ở quá xa những trung tâm này. Bạn có thể tránh được ảnh hưởng của xu thế này ở một mức nào đó, nhưng bạn không thể nào trở thành ngoại lệ. (Có lẽ bạn có thể, nhưng Leonardo sinh ở Milan đã không làm được điều đó.) Thiết kế tốt thì táo bạo Ở bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, con người cũng đều tin vào những điều hết sức nực cười, và tin vào nó mạnh mẽ đến mức bạn sẽ bị xa lánh hoặc đánh đập nếu nói ngược lại. Nếu thời đại của chúng ta có khác đi thì thật là đáng mừng. Nhưng theo tôi thì nó chẳng khác gì cả. Vấn đề này xuất hiện ở mọi thời đại, và ở một mức nào đó, ở mọi ngành. Phần lớn nghệ thuật thời Phục Hưng bị cho là trần tục đến mức phản cảm: theo Vasari, Botticelli đã từng ân hận và từ bỏ vẽ tranh, Fra và Bartolommeo và Lorenzo di Credi tự đốt tranh mình vẽ. Thuyết tương đối của Einstein làm nhiều nhà vật lý thời đó cảm thấy bị sỉ nhục, và nó không được chấp nhận hoàn toàn trong nhiều thập kỷ – ở Pháp, đến tận 1950 lý thuyết ấy mới được công nhận. Sai lầm của hôm nay sẽ trở thành lý thuyết mới của ngày mai. Nếu bạn muốn khám phá ra những thứ vĩ đại và mới mẻ, thay vì quay mặt lại với những điều xa lạ trái ngược với kiến thức thông thường, bạn cần chú ý đặc biệt tới chúng. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng nhìn ra cái xấu thì dễ hơn là tưởng tượng ra cái đẹp. Phần lớn những người tạo ra những thứ đẹp đẽ đã tạo ra chúng bằng cách sửa lại những thứ họ cho là xấu xí. Các công trình vĩ đại xuất hiện vì có ai đó nhìn thấy một thứ gì đó và tự nhủ “Mình có thể làm tốt hơn thế này”. Giotto nhìn thấy những bức tranh Đức Mẹ kiểu Byzantine truyền thống, vẽ theo một công thức đã làm thỏa mãn mọi người trong hàng thế kỷ, nhưng với ông trông chúng thật vô hồn. Copernicus bị ám ảnh bởi một sự bứt phá đến nỗi những người cùng thời phải thấy thương cho ông vì ông lại dám mơ mộng rằng có một câu trả lời tốt hơn. Nói không với sự xấu xí thì chưa đủ. Bạn phải hiểu một lĩnh vực rất sâu trước khi bạn có một cái mũi thính để đánh hơi ra cái gì cần sửa chữa. Bạn phải chăm chỉ làm việc. Thời điểm bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, bạn sẽ bắt đầu nghe thấy những giọng nói lí nhí “Thật tầm thường! Phải có cách làm tốt hơn.” Đừng bỏ qua những tiếng gọi này. Hãy nuôi dưỡng chúng. Công thức cho một sản phẩm vĩ đại là: một cái gu rất cao, cộng với khả năng làm thỏa mãn cái gu ấy. *Đây là một ý tưởng rất hay của Paul Graham. Ý này được khai triển rộng hơn trong một tiểu luận khác do tôi dịch với tiêu đề Sinh nhầm thành phố: bạn có nên bỏ Hà Nội ngay hôm nay? (hết)