Cái gu cho nhà thiết kế (II)

Mục lục bài viết

Phần I

Phần II

Phần III


 

Thiết kế tốt thường khá hài hước

Điều này không đúng 100%. Nhưng những bản khắc của Durer, ghế womb chair của Saarinen, điện thờ Patheon và chiếc Porsche nguyên thủy 911 đều khiến tôi bật cười. Định lý Bất toàn của Gödel thì giống như một truyện tiếu lâm.

Một tác phẩm của Durer
Wombchair
Porsche 911

Tôi nghĩ chuyện này là do khiếu hài hước có liên quan với sức mạnh. Chỉ kẻ mạnh mới có thể đùa.[…] Vậy thì dấu hiệu đầu tiên của sức mạnh đó là luôn coi nhẹ bản thân mình. Những người tự tin giống như chim én, không quá nghiêm túc nhưng vui đùa với việc họ làm, giống như Hitchcock đùa với phim ảnh, Bruegel đùa với hội họa, Shakespeare đùa với ngôn từ.

Thiết kế tốt không nhất thiết phải vui nhộn, nhưng thật khó tưởng tượng ra một thứ buồn tẻ lại có thể là thiết kế tốt.

 

Thiết kế tốt rất tốn công

Nếu bạn nhìn vào những người từng làm ra thứ gì vĩ đại, bạn sẽ thấy họ có một điểm chung là tất cả đều làm việc rất chăm chỉ. Nếu bạn không làm cật lực, tốt hơn hết bạn nên dừng lại, vì bạn chỉ phí thời gian thôi.

Vấn đề khó nhằn cần giải quyết bằng rất nhiều nỗ lực. Trong toán học, mệnh đề khó luôn cần những giải pháp cực kỳ sáng tạo, và những giải pháp này thường rất hấp dẫn. Trong thiết kế cũng vậy.

Khi leo núi bạn buộc phải vứt mọi thứ cồng kềnh ra khỏi balo. Khi một kiến trúc sư phải xây dựng trên một nền đất bất lợi hoặc chi phí eo hẹp, anh ấy buộc phải tạo ra một thiết kế đẹp và đơn giản. Mốt và những thứ màu mè phải nhường chỗ cho một nhiệm vụ khó khăn: giải quyết vấn đề.

Không phải cứ tốn công là tốt. Có nỗi đau có ích và nỗi đau vô ích. Bạn muốn cái đau cảm thấy sau khi tập chạy chứ không phải cái đau do dẫm phải đinh. Tốn công giải quyết một vấn đề khó thì tốt cho nhà thiết kế, nhưng tốn công xử lý một khách hàng đỏng đảnh hoặc vật liệu thi công rởm thì không.

Trong hội họa, vị trí cao nhất luôn được dành cho những bức vẽ người.[…] Chúng ta giỏi quan sát khuôn mặt mình đến mức chúng ta bắt bất cứ ai vẽ mặt cũng phải nỗ lực làm chúng ta hài lòng. Nếu bạn vẽ một cái cây và bạn xoay cành cây đi 5 độ, sẽ chẳng ai biết. Những ai cũng có thể chỉ ra nếu bạn vẽ mắt lệch đi 5 độ.

Khi các nhà thiết kế Bauhaus áp dụng nguyên lý “form follows function” (tạm dịch: kiểu dáng phụ thuộc vào chức năng) của Sullivan, họ thực sự muốn nói là “form should follow function” (kiểu dáng phải phụ thuộc vào chức năng). Và nếu chức năng đủ khó, kiểu dáng thiết kế sẽ hoàn hảo, bởi vì nhà thiết kế đã dồn mọi nỗ lực vào giải quyết vần đề và không còn sức để vẽ vời lung tung và gây ra lỗi nữa. Động vật hoang dã có cơ thể đẹp bởi vì cộc sống của chúng khắc nghiệt.

 

Thiết kế tốt trông có vẻ dễ ăn (easy)

Giống như vận động viên giỏi, designer giỏi khiến người ngoài cảm thấy mọi chuyện thật dễ dàng. Nhưng đây chỉ là ảo giác. Một đoạn văn hay và giản dị chỉ có được khi nhà văn đã viết lại đến lần thứ tám.

Trong khoa học và kỹ thuật, những khám phá lớn nhất thường có vẻ đơn giản đến mức bạn bảo rằng “Có thế thì tôi cũng nghĩ ra được”. Vậy tại sao bạn không nghĩ ra trước họ đi?

Một số bức vẽ đầu người của Leonardo chỉ gồm vài nét đơn giản. Bạn nhìn vào chúng và nghĩ, tất cả những gì mình cần làm là đặt tám hoặc mười nét bút này vào đúng chỗ và thế là xong bức chân dung tuyệt đẹp. Thì cũng đúng thôi, nhưng đặt đúng thì chưa đủ, bạn phải đặt chính xác. Chỉ một lỗi nhỏ nhất cũng làm hỏng bức tranh.

Một bức vẽ đầu người đơn giản của Leonardo

Vẽ nét (line drawing) là kiểu vẽ khó nhất, bởi vì nó đòi hỏi sự hoàn hảo. […] Lý do trẻ con từ bỏ học vẽ vào khoảng lên 10 là vì chúng quyết định vẽ như người lớn, và việc đầu tiên chúng làm là thử vẽ nét một khuôn mặt (!)

Trong phần lớn lĩnh vực, vẻ ngoài đơn giản thường là kết quả của việc dày công tập luyện. Tập luyện nhiều sẽ giúp cho phần vô thức có khả năng xử lý những công việc mà bình thường đòi hỏi cả phần ý thức. Trong nhiều trường hợp, phần vô thức đó chính là cơ thể. Một người chơi piano chuyên nghiệp có thể gõ phím nhanh hơn cả tốc độ tín hiệu thần kinh đi từ não xuống tay. Một họa sĩ lành nghề có thể hình dung trong đầu và dùng tay tái hiện lại cảnh đó chính xác và dễ dàng như thể dậm chân theo điệu nhạc.[…]

 

Thiết kế tốt thì đối xứng

Tôi nghĩ rằng đối xứng chỉ là một cách để đạt tới sự đơn giản, nhưng nó đủ quan trọng để được đề cập riêng. Thiên nhiên sử dụng rất nhiều kết cấu đối xứng, và đó là một dấu hiệu tốt.[…] Thiết kế đối xứng hiện không còn là mốt nữa, bởi vì trong quá khứ nó đã bị dùng quá nhiều. Kiến trúc sư bắt đầu cố tình xây những căn nhà bất đối xứng từ thời Victoria và đến khoảng 1920 thì bất đối xứng trở thành nền móng cho kiến trúc hiện đại. Nhưng ngay cả những tòa nhà này cũng chỉ bất đối xứng ở một số trục chính, còn lại vẫn có tới hàng trăm kết cấu đối xứng khác bên trong.

Trong văn học bạn thấy sự đối xứng ở mọi cấp độ, từ những cụm từ trong một câu cho đến cốt truyện của một tiểu thuyết. Bạn cũng tìm thấy đối xứng trong âm nhạc và hội họa. Tranh ghép mảnh (mosaic) và cả một số tranh của Cézanne tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ bằng cách tạo ra cả bức tranh từ cùng một nguyên tố. Sự đối xứng đã tạo ra nhiều kiệt tác hội họa, đặc biệt là khi họa sĩ để cho hai nửa tương tác với nhau, như trong bức Creation of Adam hay American Gothic. […]

Sự nguy hiểm của đối xứng, đặc biệt khi bị lặp lại, là người ta sẽ dùng nó và thôi sáng tạo.

Một ví dụ về tranh mosaic
The Creation of Adam

Thiết kế tốt thì giống với thiên nhiên

Chúng ta nên bắt chước thiên nhiên, không phải vì thiên nhiên tự nó tốt, mà vì nó đã trải qua thời gian rất dài giải quyết một vấn đề. Nếu thiết kế của bạn giống với thiên nhiên, đó là một dấu hiệu rất tốt.

Sao chép không có gì xấu. Ai cũng đồng ý rằng một tác phẩm văn học nên giống với đời thực. Vẽ cảnh thực cũng là một công cụ quý giá trong hội họa, mặc dù vai trò của nó thường bị hiểu nhầm. Mục đích của việc vẽ không phải là tạo một bản sao chép. Vẽ là để cho tâm hồn bạn có thứ gì đó để thưởng thức từ từ: khi mắt trực tiếp nhìn vào một vật, tay sẽ vẽ ra những thứ thú vị hơn.

Trong kỹ thuật người ta cũng sao chép thiên nhiên. Từ xa xưa tàu biển đã có cột sống và xương sườn mô phỏng theo lồng ngực động vật. Trong vài trường hợp người ta phải chờ công nghệ bắt kịp với thiết kế: những nhà thiết kế máy bay đời đầu đã nhầm khi làm ra những cỗ máy giống như chim, trong khi họ không có nguyên liệu và nguồn năng lượng đủ nhẹ hoặc hệ thống kiếm soát đủ phức tạp để khiến cỗ máy bay như chim, nhưng tôi có thể tưởng tượng ra những máy bay do thám không người lái bay như chim chỉ trong vòng 50 năm nữa.[…]

 

Thiết kế tốt là thiết kế lại

Khó mà làm đúng mọi thứ ngay từ đầu. Chuyên gia luôn biết rằng họ sẽ phải vứt đi những công trình đầu tiên. Họ lên kế hoạch cho nhiều thay đổi ngay từ đầu.

Để vứt bỏ những thiết kế cũ, designer cần phải rất tự tin. Bạn phải nghĩ được rằng “cái này có thể cải tiến tốt hơn nữa”. Khi mới bắt đầu học vẽ, mọi người thường ngại chỉnh lại những phần chưa được, và nghĩ rằng vẽ đến thế là ổn lắm rồi, nếu sửa lại sẽ bị xấu hơn. Họ cho rằng bức vẽ không đến mức tệ, và rằng thật sự thì họ cố tình vẽ cho nó như thế.

Leonardo luôn chỉnh lại nét vẽ của mình nhiều lần

Điều này rất nguy hiểm, và bạn nên tập cảm thấy bất mãn về công trình của mình. Trong các bức vẽ của Leonardo, một nét luôn được chỉnh lại cho đúng tới năm sáu lần. Phần lưng đặc biệt của Porsche 911 chỉ xuất hiện sau khi người ta sửa lại một nguyên bản kỳ quặc. Khi mới thiết kế bảo tàng nghệ thuật Guggenheim, Wright muốn xây nửa bên phải theo kiểu ziggurat, hình thù tòa nhà hiện tại là do ông lộn ngược thiết kế ban đầu này.

Guggenheim

Sai lầm là chuyện bình thường. Thay vì coi nó như thảm họa, hãy làm sao để lỗi dễ bị phát hiện và dễ sửa. […] Các phần mềm open-source có ít bug hơn vì ngay từ đầu nó chấp nhận khả năng có bug.

Một phương tiện làm việc tốt là phương tiện cho phép nhà thiết kế dễ dàng tiến hành chỉnh sửa về sau. Khi màu dầu thay thế màu keo (tempera) và thế kỷ 15, nó giúp các họa sĩ vẽ tốt hơn những đối tượng phức tạp như hình người, bởi vì khác với màu keo, màu dầu có thể trộn được với nhau và tô đè lên.

 

Thiết kế tốt có thể sao chép

Thái độ đối với việc sao chép đi một đường vòng. Một nhà thiết kế amateur bắt chước mà không ý thức về việc đó, sau đó anh ta cố trở nên sáng tạo, và cuối cùng, anh ấy chấp nhận rằng sự đúng quan trọng hơn sự sáng tạo.

Bắt chước một cách vô thức luôn tạo ra thiết kế tồi. Nếu bạn không biết ý tưởng của mình thực sự đến từ đâu, bạn có lẽ đang bắt chước theo một kẻ bắt chước. Raphael ảnh hưởng lớn tới gu thẩm mỹ giữa thế kỷ 19 mạnh đến nỗi bất cứ ai đặt bút vẽ cũng đều bắt chước Raphael, nhưng là bắt chước từ những người bắt chước Raphael.

Chính điều này, chứ không phải những tác phẩm của Raphael, đã làm bực mình những họa sĩ đi trước ông.

Những người tham vọng không thỏa mãn với sự sao chép. Giai đoạn thứ hai trong sự phát triển gu thẩm mỹ là một nỗ lực có ý thức để trở nên sáng tạo.

Tôi nghĩ rằng các bậc thầy luôn đạt tới một trạng thái quên đi bản thân (selflessness). Họ chỉ muốn đạt tới câu trả lời đúng, và nếu một phần của câu trả lời đúng đã được khám phá bởi người khác, thì đó không phải lý do để không dùng câu trả lời ấy nữa. Họ đủ tự tin để sao chép từ bất cứ ai mà không sợ rằng cái riêng của họ sẽ mất đi.

 

Thiết kế tốt thường kỳ quặc

Nhiều công trình tuyệt vời có tính chất này: định lý Euler, bức Hunters in the Snow của Bruegel, máy bay SR-71 hoặc ngôn ngữ lập trình Lisp. Chúng không những đẹp, chúng đẹp một cách kỳ quặc.

Hunters in the Snow của Bruegel

Tôi không rõ tại sao. Có thể tại tôi quá dốt. Cũng như đối với chú chó, cái mở nắp hộp chắc giống như một phép lạ. Có thể nếu tôi đủ thông minh thì ei*pi = -1 là điều dĩ nhiên rồi, không cần bàn cãi.

Phần lớn những tính chất tôi vừa nêu ra có thể học theo được, nhưng tôi không nghĩ bạn có thể học cách trở nên kỳ quặc. Điều tốt nhất bạn có thể làm là đừng vứt bỏ nó khi nó chớm xuất hiện. Einstein không hề cố làm cho thuyết tương đối trở nên kỳ lạ. Ông ấy cố làm nó đúng, và cái đúng hóa ra lại kỳ quặc.

Ở một trường dạy vẽ tôi từng học, ai cũng muốn có phong cách riêng. Nhưng nếu bạn cố làm ra những sản phẩm tốt, bạn chắc chắn sẽ làm nó theo một cách rất riêng, cũng như mỗi người đều bước đi theo những cách rất riêng vậy.

Michelangelo không cố vẽ cho giống Michelangelo. Ông ấy chỉ cố vẽ sao cho đẹp, và để vẽ đẹp, ông ấy không thể không vẽ như Michelangelo.

Phong cách duy nhất đáng theo đuổi là phong cách mà chính bạn không thể cưỡng lại được. Và điều này càng đúng hơn cho yếu tố kỳ quặc. Không có đường tắt để trở nên kỳ quặc. […]

Lớp Méo Miệng
Sắp Khai Giảng!