Mua máy ảnh là một việc ngớ ngẩn. Ai còn cần máy ảnh nữa? Bây giờ ai cũng có di động, mà di động nào cũng có camera. Chụp ảnh bằng điện thoại rất tiện: bạn cứ giơ máy lên là chụp thôi, không phải xoay vặn lens hay chỉnh sáng. Muốn màu đẹp đã có VSCO và Snapseed rồi. Bạn cũng không phải lo ra đường quên mang đồ nghề chụp ảnh, vì chẳng có ai quên di động bao giờ. Vậy tại sao các hãng máy ảnh không biến mất? Bạn có thể lập luận rằng chất lượng ảnh từ máy chuyên nghiệp tốt hơn ảnh từ điện thoại. Nói thế cũng đúng thôi, nhưng phần lớn ảnh ngày nay cuối cùng chỉ để cho lên Facebook hoặc Instagram, nơi ảnh to thế nào cũng bị resize cho thành nhỏ. Về màu sắc, trừ khi bạn là dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp, còn thì bạn khó mà chỉ ra sự khác nhau giữa một bức ảnh được xử lý qua VSCO và một bức chụp bằng máy phim thực sự. Cùng với tiến bộ công nghệ, ranh giới chất lượng ảnh gần như bị xóa nhòa. Máy ảnh vẫn tồn tại, theo tôi vì nó đem lại cảm giác đặc biệt cho người chụp và người được chụp. Dù các máy Point and shoot hay Mirrorless có gọn nhẹ và phổ biến ra sao đi nữa, sẽ không bao giờ có chuyện ai ai cũng sở hữu máy ảnh giống như di động. Trong con mắt số đông, máy ảnh vẫn cứ là thứ dành riêng cho tầng lớp rảnh rỗi và mơ mộng, những người yêu cái đẹp và khao khát lưu giữ cái đẹp, những người đã chán nhìn đời bằng mắt thật nên mua máy ảnh để nhìn đời qua một cái lens. Tóm lại máy ảnh là dành cho người nghệ sĩ. Những chiếc mirrorless FujiX rất nhỏ gọn, có thể cho vừa túi áo khoác khi không lắp lens Chụp bằng máy ảnh sang hơn chụp bằng điện thoại. Camera điện thoại là thứ tầm thường như một cái hắt xì hay một cái ngáp: không ai để ý đến nó, không ai coi trọng nó. Nếu ngồi cà phê mà bạn giơ điện thoại lên bảo đứa bạn: “Để tao chụp ảnh mày” thì thật kì cục làm sao và người đó chắc sẽ không đồng ý. Nhưng nếu bạn giơ lên một chiếc máy phim Olympus với tấm thân magiê xỉn màu thời gian và ống kính vằn những vạch xanh đỏ cùng số khó hiểu, người được chụp hẳn sẽ ngồi ngay ngắn và làm dáng theo ý bạn tùy thích. Một chiếc máy ảnh luôn tạo ra thái độ nghiêm trang nơi người được chụp. Với phần lớn mọi người, được chụp bằng máy ảnh không phải là chuyện xảy ra hàng ngày. Trước hết bạn phải chơi với một đứa có máy ảnh. Đã chơi rồi bạn lại phải chờ đến ngày nó mang máy ra đường. Vì dù mirroless ngày nay có gọn nhẹ đến mấy, nó vẫn cứ to và cồng kềnh nếu so với những vật dụng hàng ngày khác như điện thoại, Kindle hay Ipad. Mang DSLR hay máy phim thì đúng là cực hình vì nó to và nặng như cục gạch. Nhưng mang máy ảnh thôi chưa đủ, hôm ấy bạn còn phải xinh (mặc một cái áo đẹp, đầu không bết) hoặc ngồi ở nơi background đẹp (cây cối, tường màu sắc sặc sỡ). Hội tụ đủ các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa ấy rồi, bạn sẽ năn nỉ để được chụp. Khó đấy, vì thằng chụp mất công hai lần: công chụp và công trả ảnh. Bạn phải vặn vẹo dáng ngồi và luôn mỉm cười trong tầm một phút vì chủ nhân chiếc máy còn đang bận tìm góc đẹp và xoay vặn các núm phức tạp. Bạn được ra lệnh phải cười khi nghe đếm đến ba. Bạn nín thở: trong một giây bạn biến thành con người khác, đẹp hơn lúc bình thường. Tiếng tách của màn trập vang lên và bạn vui sướng biết rằng một khoảnh khắc trong cuộc đời mình đã được lưu giữ vĩnh viễn. Nhưng niềm vui lớn nhất thuộc về người chụp ảnh. Cũng như người được chụp, người chụp trở nên nghiêm trang hơn khi cầm máy: bạn đắn đo bố cục, cân nhắc khẩu, tốc, loại phim…toàn những việc không bao giờ phải lo khi chụp bằng điện thoại. Tự việc mang theo một vật cồng kềnh với cách dùng phức tạp nó khiến cho bạn nhập tâm và nghiêm túc hơn; bạn cảm thấy mình đang làm cái gì đặc biệt. Đấy là lý do vì sao trong trà đạo người ta bày ra đủ trò nào đun nước, nào tráng ấm, nào rửa trà; tất cả những thứ cầu kỳ ấy nhằm giúp chúng ta tập trung hơn vào hành động uống trà mà thôi. Một cái vui nữa là khi nhìn vào ống ngắm, chủ nhân chiếc máy ảnh được thoát khỏi thế giới thực để sống trong thế giới ảo, nơi mọi thứ đều bị quy về tiêu cự, khẩu độ, tốc màn trập, điểm lấy nét, bố cục và màu sắc do lens tạo ra. Người chụp được thoải mái nhào nặn và lựa chọn bất cứ thực tại nào mình thích. Mỗi bức ảnh phản chiếu cuộc sống thật, nhưng không bao giờ giống thật. Mỗi chiếc lens, mỗi loại phim, mỗi dòng cảm biến trình diễn cho người chụp những thực tại khác nhau. Trước khi có máy ảnh, tôi không bao giờ tưởng tượng ra một bông hồng có thể hồng theo một trăm cách khác nhau tùy theo loại phim và lens trên máy. Fuji Velvia cho màu hồng sống động, Kodak Gold hồng ám vàng, Kodak Potra hồng lẫn chút xanh. Máy ảnh khiến tôi nhìn thế giới theo cách sinh động hơn. Mỗi khi cầm máy, tôi bước vào một cuộc phiêu lưu thị giác. Ví dụ như hôm trước tôi đi bộ. Khi tôi đứng trên vỉa hè nhìn lên cái lá, giữa một trăm người đi bộ, tôi là người duy nhất nhìn cái lá và tưởng tượng ra màu xanh của nó theo một trăm cách khác nhau. Ý nghĩ bí mật ấy làm tôi vui mất cả ngày. Vì quá đỗi kỳ diệu như vậy, nên dù camera điện thoại có tốt đến đâu chăng nữa, chiếc máy ảnh cũng không bao giờ mất đi. Những tâm hồn cô đơn và mơ mộng sẽ luôn tìm đến nó để chạy trốn khỏi cuộc sống nhạt màu và đầy xao nhãng.