Giải thích hệ thống chính trị Hoa Kỳ (1): Hạ Viện là gì?

MỤC LỤC SERIES

GIẢI THÍCH HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HOA KỲ

  1. Hạ Viện là gì?
  2. Họp kín và Dân biểu
  3. Thượng Viện là gì?
  4. Đặc quyền Filibuster là gì?
  5. Một ngày làm việc ở quốc hội

 

Hôm trước có một lớp Méo Miệng than với tôi là xem House of Cards không hiểu mấy vì nhiều từ liên quan đến chính trị quá. Ví dụ như Thượng Nghị Sĩ với Hạ Nghị Sĩ thì ông nào to hơn? Đảng Dân Chủ thì khác gì Đảng Cộng Hòa? Đại cử tri là ai?

Tôi nghĩ nhiều bạn cũng có chung thắc mắc, vậy tôi soạn một series bài lấy tên Giải thích hệ thống chính trị Hoa Kỳ để làm rõ các khái niệm cơ bản và phác họa những nét chung nhất trong cơ chế chính trị Mỹ.

Tài liệu tham khảo chính là hai cuốn: The everything American Government BookWhat you should know about politics… But don’t.

Quốc Hội Hoa Kỳ hoạt động theo cơ chế lưỡng viện (bicameral), gồm Hạ Viện (House of representatives hay Lower house)Thượng Viện (Senate hay Upper house).

 

HẠ VIỆN

Muốn biết ý kiến quần chúng Mỹ về các chính sách công, ta chỉ cần quan sát Hạ Viện. Hạ Viện được coi như cơ quan của nhân dân vì các Dân Biểu hay còn gọi là Hạ Nghị Sĩ (Representative) đại diện cho đơn vị dân số nhỏ nhất (mỗi dân biểu đại diện cho một quận khoảng 600.000 người). Vì nhiệm kỳ ngắn (2 năm bầu lại một lần) nên các hạ nghị sĩ thường rất chăm chút đến cử tri tại quận của mình. Việc hạ nghị sĩ giúp cử tri những việc nhỏ như tìm Social Security check bị thất lạc, giúp con cái họ nộp đơn vào học viện quân sự hoặc chỉ dẫn thủ tục hành chính là rất thường thấy. Theo thời gian, nhiều dân biểu có thể nhớ tên hàng ngàn người dân và nhờ vậy đảm bảo một chỗ đứng lâu dài trong Hạ Viện.

Nhiệm kỳ ngắn 2 năm, quận nhỏ và do dân bầu trực tiếp; tất cả những yếu tố đó được sắp đặt để Hạ Viện trở thành một cơ quan gần gũi với quần chúng, nơi ý kiến của người dân bình thường được lắng nghe.

Trên thực tế, trước khi Tu chính án 17 (sửa đổi hiến pháp – admendament) yêu cầu thượng nghị sĩ (senator) cũng phải do dân bỏ phiếu trực tiếp thì Hạ Viện là nhánh duy nhất của chính phủ liên bang được chọn theo hình thức phổ thông đầu phiếu. (Thượng Viện trước đây do cơ quan lập pháp từng bang chọn ra, Tổng thống do đại cử tri bầu).

Lãnh đạo

  • Đứng đầu Hạ Viện là Chủ Tịch Hạ Viện (Speaker of the House).

Chủ Tịch Hạ Viện chỉ đứng sau Phó tổng thống trong thứ tự kế nhiệm Tổng thống. Mỗi đảng chọn ra ứng cử viên cho chức vụ này, sau đó toàn Hạ Viện sẽ bỏ phiếu lựa chọn. Việc Chủ Tịch Hạ Viện theo đảng nào có thể khiến nhân vật này trở thành bạn tốt hoặc đối thủ của Nhà Trắng trong việc thông qua các chương trình lập pháp. Chủ tịch Hạ Viện Tom Foley (đảng Dân Chủ) từng là đối thủ của Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha).

Chủ tịch Hạ Viện đương nhiệm Paul Ryan
  • Trong Hạ Viện cũng như Thượng Viện, đảng có nhiều thành viên hơn được gọi là đảng đa số (majority), đảng chiếm được ít ghế hơn là đảng thiểu số (minority). Mỗi đảng lại bầu ra lãnh đạo riêng. Ví dụ trong nhiệm kỳ này đảng Dân chủ (Democrat) chiếm nhiều ghế hơn Cộng Hòa (Republican), vậy người đứng đầu phe Dân Chủ gọi là Lãnh tụ đa số (Majority Leader), người đứng đầu phe Cộng Hòa là Lãnh tụ thiểu số (Minority Leader).

Lãnh tụ đa số đứng ngay sau Chủ Tịch Hạ Viện và đứng đầu đảng đa số. người này được chọn bằng hình thức bỏ phiếu kín trong nội bộ đảng đa số.

Lãnh tụ thiểu số là người đứng đầu đảng thiểu số tại Hạ Viện.

  • Trong mỗi đảng, vị trí kế sau Lãnh tụ là Whip. Người này có nhiệm vụ giữ kỷ luật trong đảng mình và đảm bảo đảng viên có mặt đầy đủ trong những lần bỏ phiếu quan trọng.

 

Các Ủy Ban Hạ Viện

Dù không được nhắc đến trong Hiến pháp, các Ủy Ban mới là bộ máy thực sự của Quốc Hội, nơi mọi công việc được xử lý. Do các dân biểu phải đối mặt với quá nhiều vấn đề rộng lớn và phức tạp, các Ủy Ban dần dần được chuyên môn hóa. Mỗi dân biểu làm việc trong 2 Ủy Ban thường trực (Standing committee). Phần lớn các Ủy Ban lại chia nhỏ thành 5 tiểu ban khác. Đứng đầu một Ủy Ban là Chủ Tịch Ủy Ban (Committee Leader).

 

Bốn loại Ủy Ban chính tại Hạ Viện

  • Ủy Ban thường trực (Standing committee)

Đây là cơ chế vĩnh viễn và quan trọng nhất trong Quốc Hội nơi tất cả hoạt động lập pháp diễn ra. Quốc Hội khóa 108 gồm 19 Ủy Ban thường trực (tên một số ủy ban: Nông nghiệp, Phân bổ ngân sách, Thương mại, Cựu chiến bình…)

  • Ủy Ban đặc biệt (Select or Special committee)

Đây là những ủy ban tạm thời được lập ra để giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Các ủy ban này nghiên cứu vấn đề và đưa ra báo cáo, họ không có chức năng lập pháp và được giải tán cuối nhiệm kỳ Quốc Hội. Ví dụ Quốc Hội khóa 105 từng triệu tập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu tình trạng lão hóa dân số.

  • Ủy Ban kết hợp (Joint Committee)

Các Ủy Ban này gồm thành viên của cả Hạ Viện và Thượng Viện. Họ giải quyết những vấn đề hành chính của Quốc Hội, đưa ra khuyến nghị và không có chức năng lập pháp.

  • Ủy Ban hội thảo (Conference committee)

Gồm cả thành viên của Hạ Viện và thượng viện. Nhiệm vụ: chuẩn hóa ngôn ngữ trong các văn bản luật mà hai viện thông qua.

 

 

 

 

Lớp Viết Văn Tháng Tư
Sắp Khai Giảng!