Công Chúa Ống Tre và số phận con người phàm tục

Ít có phim nào làm khán giả phải khóc như Công Chúa Ống Tre (The Tale of Princess Kaguya) của Gilbli Studio.

Phim mở đầu vui vẻ như một truyện cổ tích phương đông điển hình (bác tiều phu tìm thấy công chúa ngủ trong rừng) nhưng kết thúc buồn và đậm màu sắc tôn giáo (Phật, tiên nữ, những ẩn dụ về cái chết).

Một bộ phim hay luôn làm cho người ta suy nghĩ, và điều tôi băn khoăn với Công Chúa Ống Tre là thực sự đạo diễn Takahata muốn nói gì qua phim này?

Lúc đầu tôi đã diễn giải phim một cách quá đơn giản và nghĩ đến những thông điệp kiểu “số phận người phụ nữ thời phong kiến”, “hãy sống tự do đừng để ai gò bó cuộc đời mình”… Những cách hiểu này Mỹ quá và có lẽ hơi nông cạn. Nếu Công Chúa Ống Tre thực sự là một bộ phim Mỹ điển hình thì Kaguya đã phải bỏ trốn ngay từ giữa phim cùng với Sutemaru, kết hôn, thành đạt ở thủ đô và không bao giờ thèm gặp lại bố mẹ nữa.

Ở 20 phút cuối cùng, những tình tiết khó hiểu lúc đầu bỗng dưng khớp với nhau một cách logic và lúc ấy  khán giả mới chắc chắn về thông điệp của phim.

Công Chúa Ống Tre thật ra nói về số phận người phàm ở trần gian. Trước hết, chúng ta đến với cuộc đời một cách đột ngột (ông nông dân bỗng dưng tìm thấy cô bé trong ống tre và đem về nuôi dưỡng). Chi tiết ông bố tình cờ tìm thấy vàng, lụa và cô bé quê mùa bỗng được mang lên thủ đô và biến thành công chúa chính là phép ẩn dụ cho thuyết định mệnh phương đông (Oriental fatalism): mọi sự ở đời, nhất là sự giàu sang phú quý, đều được tiền định sẵn(*).

Một motif xuất hiện nhiều lần là sự mâu thuẫn giữa mong muốn và thực tại: Kaguya không muốn trang điểm nhưng cuối cùng phải chịu nhuộm răng và tỉa lông mày; Kaguya muốn trở về quê với đám bạn xưa nhưng điều ấy chỉ xảy ra trong giấc mộng; Kaguya nhìn thấy người bạn cũ Sutemaru bị đánh nhưng đành bất lực ngồi trong kiệu…

Đây là số phận của tất cả chúng ta: ai cũng nhiều mơ ước nhưng thực tại thường đi ngược lại những gì ta mong muốn. Con người trần gian chứa đầy hối tiếc về những giấc mộng không thành.

Cảnh Kaguya về quê gặp bạn nhưng Sutemaru và đám trẻ đã bỏ làng đi nơi khác là một cảnh rất cảm động. Nó tượng trưng cho mối quan hệ giữa chúng ta và quá khứ: nhiều khi mình buồn nhớ tới người xưa và nhớ những ngày tươi đẹp cũ, nhưng dù tươi đẹp đến đâu thì nó cũng kết thúc rồi; không ai chờ ai cả, người ấy sẽ sống tiếp mà không có chúng ta (Sutemaru lấy vợ và có con). Khi người đốt củi bảo mùa đông mọi thứ như đã chết nhưng mùa xuân chắc chắn sẽ tới để phục sinh, Kaguya liền quay về và chấp nhận mọi sự áp đặt của cha. Có lẽ Kaguya hy vọng rằng những ngày buồn bã rồi sẽ qua và cuối cùng hạnh phúc sẽ tới, nhưng đó chỉ là ước muốn ngây thơ của con người trần gian. Ngày hạnh phúc ấy không bao giờ đến, cũng như ngày Kaguya hẹn đám trẻ nấu súp cùng nhau đã không bao giờ xảy ra.

Đoạn Kaguya đột ngột quay về mặt trăng nhắc ta rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, dù có biết trước ta cũng không ngăn nổi số phận (bố Kaguya tìm cách cản những người nhà trời nhưng thất bại).

Cái chết sẽ đến sớm hơn ta nghĩ, vì vậy thời khắc hiện tại đáng trân trọng vô cùng. Sống trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại là điều duy nhất con người phàm tục có thể làm, đó cũng là một trong những giáo lý quan trọng nhất của Phật giáo(**) (hình ảnh Phật dẫn đầu đoàn người thiên giới khẳng định khía cạnh tôn giáo này của phim).

Cũng như nhiều tác phẩm khác của Ghibli Studio, từng khung hình của Công Chúa Ống Tre được vẽ tay bằng than chì và màu nước khiến bộ phim bội phần sinh động. Phần nhạc phim do Joe Hisaishi sáng tác cũng hết sức tuyệt vời.

——————————–

(*) Tôi thực sự tin vào quan điểm này hơn là cách nhìn hiện đại, cho rằng cứ nỗ lực là bạn sẽ đạt được mọi thứ.

(**) Sống trọn trong hiện tại vì tương lai không thể biết trước – ý tưởng này cũng xuất hiện trong giáo lý của đạo Thiên Chúa.


Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia.” (Gia-cơ 4:13-17; Kinh Thánh Tin Lành bản truyền thống)

Sách Imitation of Christ (tiếng Việt thường dịch là Gương Phúc), chương On Death cũng nói về vấn đề này.

 

 

Lớp Viết Văn Tháng Tư
Sắp Khai Giảng!