Mục lục bài viết Phần I Phần II Tôi từ bỏ công việc văn phòng bình thường và tập trung vào việc dạy học kể từ 2014. Cũng bắt đầu từ đây, tôi có hân hạnh được giúp nhiều bạn bè tiến vào loại công việc rất hấp dẫn mà tôi gọi chung là “nghề lang thang”, tức là những việc mang tính sáng tạo cao và chúng tôi không làm thuê cố định cho công ty nào cả. Sau mấy năm trong nghề, chứng kiến vài người thành công còn số đông đứt gánh giữa đường và quay trở lại làm công việc văn phòng ổn định, tôi nhận thấy những người còn trụ lại được (bao gồm cả tôi) đều có một điểm chung là may mắn xây dựng được một cộng đồng nho nhỏ thường xuyên ủng hộ mình về tinh thần và vật chất. Khởi đầu đây chỉ là một quan sát cá nhân đơn giản và tôi không nghĩ gì nhiều, cho đến khi tôi đọc được về 1000 True Fans Theory và ngạc nhiên vì hóa ra có người cũng rút ra kết luận tương tự và phát triển nó thành một lý thuyết hẳn hoi. Người đó là Kevin Kelly, nhà sáng lập tạp chí Wired. Kể từ khi ra đời vào năm 2008, lý thuyết 1000 True Fans được nhắc đến trong nhiều sách báo và trở thành một cụm từ phổ biến trong cộng đồng “nghề lang thang” trên thế giới. Tuy nhiên tôi chưa thấy có bài viết nào bằng tiếng Việt đề cập tới ý tưởng độc đáo này. Tôi xin tặng bản dịch tiểu luận 1000 True Fans cho những họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, giáo viên, thợ xăm, người mẫu, diễn viên, chủ quán bar, chủ quán café mà tôi quen biết. Hy vọng lý thuyết này sẽ giúp mọi người có thêm cảm hứng để tiếp tục công việc sáng tạo, tuy khó nhọc nhưng vô cùng hấp dẫn. Trong bản dịch dưới đây tôi giữ nguyên một số khái niệm tiếng Anh đơn giản vì dịch ra tiếng Việt sợ cũng dài dòng và thêm khó hiểu. Để trở thành một creator thành công bạn không cần đến những con số hàng triệu. Bạn không cần hàng triệu đô hay hàng triệu khách, hàng triệu đối tác hay hàng triệu fan. Để kiếm sống với tư cách một thợ thủ công, thợ ảnh, nhạc sĩ, nhà thiết kế, nhà văn, họa sĩ phim hoạt hình, người viết app, người tự kinh doanh nhỏ, hay nhà sáng chế, bạn chỉ cần vài nghìn true fan. The Beatles, một ban nhạc có lẽ có tới hàng trăm triệu fan trên toàn thế giới True fan là một fan sẽ mua tất cả những thứ bạn sản xuất ra. Các fan gộc này có thể xe lái xe 300km chỉ để nghe bạn hát; họ sẽ mua bản bìa cứng và bìa mềm và cả bản audio của cuốn sách bạn viết; họ sẽ mua tượng của bạn; họ sẽ trả tiền cho đĩa DVD “best-of” trích từ kênh Youtube miễn phí của bạn; họ sẽ đến tiệm ăn món do chính bạn nấu mỗi tháng một lần. Nếu bạn có khoảng 1000 true fan như vậy (hay còn gọi là super fan), bạn có thể kiếm sống rất ổn, nếu bạn hài lòng với việc kiếm đủ ăn chứ không mơ trở thành tỷ phú. Về mặt toán học, nó hoạt động thế này. Bạn cần có đủ hai yếu tố. Đầu tiên bạn phải sáng tạo đủ sản phẩm mỗi năm để kiếm được trung bình $100 lợi nhuận từ mỗi true fan. Có những ngành làm điều này rất dễ, có những ngành lại khó, nhưng dù bạn làm nghề gì đi nữa, đây là một thử thách sáng tạo rất tốt vì việc cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng cũ bao giờ cũng dễ hơn tìm kiếm khách hàng mới rất nhiều. Thứ hai, bạn phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với fan của mình. Nghĩa là họ phải trả tiền trực tiếp cho bạn mà không qua trung gian nào hết. Bằng cách này, bạn được giữ toàn bộ sự ủng hộ của fan, thay vì một con số phần trăm nhỏ nhoi bạn lấy được từ một hãng đĩa, nhà xuất bản, studio, nhà bán lẻ, hoặc các loại hình trung gian khác. Nếu bạn giữ được đủ $100 từ mỗi fan, vậy bạn chỉ cần 1000 fan để kiếm được $100,000 mỗi năm (khoảng 2 tỷ 3 VNĐ). Thu nhập ấy là đủ sống với phần lớn mọi người. Đặt mục tiêu một nghìn khách hàng thì khả thi hơn rất nhiều so với mục tiêu là một triệu fan. Hàng triệu fan sẵn sàng trả tiền cho bạn là một mục tiêu không thực tế lắm, nhất là khi bạn mới vào nghề. Nhưng một nghìn fan thì ai cũng làm được. Bạn thậm chí có thể nhớ được 1000 cái tên. Nếu bạn kiếm thêm một true fan mỗi ngày, để kiếm đủ 1000 bạn chỉ mất vài năm. Con số 1000 không phải là con số tuyệt đối. Ý nghĩa của nó nằm ở bậc số – một nghìn ít hơn một triệu ba bậc (mỗi bậc là 10 lần). Con số chính xác cần phải điều chỉnh tùy từng người. Frank Sinatra và người hâm mộ Nếu bạn chỉ có thể kiếm $50 mỗi năm từ một true fan, vậy bạn cần 2000 người. (Cũng như vậy, nếu bạn có thể bán cho một người số sản phầm trị giá $200/ năm, bạn chỉ cần 500 true fan.) Hoặc bạn chỉ cần $75,000 là đủ sống, vậy bạn tự điều chỉnh số fan xuống thấp hơn. Hoặc nếu bạn là một cặp song ca, hay bạn có cộng sự, vậy bạn phải nhân đôi lên và kiếm cho đủ 2000 fan. Nếu là một đội, bạn phải nhân nhiều nữa. Nhưng tin tốt là số lượng fan sẽ tăng tỉ lệ thuận với kích cỡ của nhóm; nếu bạn tăng số thành viên trong nhóm lên 33% bạn chỉ cần tăng số fan lên 33%. Một cách khác để định lượng sự ủng hộ của true fan là đặt mục tiêu làm cho mỗi fan chi tiêu một ngày lương/ năm cho sản phẩm của bạn. Liệu bạn có thể kích thích hoặc làm vừa lòng họ đủ để thu được từ họ một ngày lương không? Đây là một rào cản khó vượt qua, nhưng không phải không thể vì bạn chỉ cần thu hút 1000 người trên toàn thế giới. Và dĩ nhiên, không phải fan nào cũng là super fan. Trong khi sự cổ động của 1000 true fan có thể giúp bạn kiếm đủ sống, cần nhớ rằng với mỗi một true fan bạn sẽ có hai hoặc ba regular fan (fan bình thường). Để dễ hiểu, bạn hãy nghĩ về những vòng tròn đồng tâm với true fan ở giữa và một vòng lớn hơn gồm regular fan. Regular fan chỉ thỉnh thoảng mua sản phẩm của bạn, hoặc có thể chỉ mua duy nhất một lần. Nhưng sự chi tiêu bình thường của họ đủ làm tăng tổng thu nhập. Đôi khi họ mang lại thêm tới 50% lợi nhuận. Nhưng nói chung bạn sẽ muốn tập trung vào super fan bởi vì sự nhiệt huyết của true fan có thể làm tăng sự ủng hộ từ regular fan. True fan không chỉ là nguồn thu nhập trực tiếp của bạn, đó còn là lực lượng marketing hùng hậu thu hút thêm regular fan. Fan, khách hàng, nhà bảo trợ (patron) là những khái niệm đã tồn tại từ lâu đời. Vậy có gì mới mẻ trong chuyện 1000 fan? Một vài điều sau đây. Nữ diễn viên Grace Kelly Duy trì mối quan hệ trực tiếp với khách hàng là cách làm việc mặc định từ xa xưa. Thế nhưng hệ thống phân phối/ bán lẻ hiện đại lại khiến cho creator trong cả thế kỷ trước mất đi sự liên lạc trực tiếp với người tiêu dùng. Ngay cả các nhà xuất bản, studio, hãng đĩa và nhà sản xuất cũng không có thông tin cơ bản nhất là tên của khách hàng. Ví dụ, mặc dù đã tồn tại hàng trăm năm, không nhà xuất bản nào ở New York biết tên các độc giả trung thành của họ. Đối với creator trước kia, việc sử dụng trung gian kiểu này đồng nghĩa với việc bạn cần một lượng khán giả lớn hơn để có thể thành công. Cùng sự phát triển của các hình thức giao tiếp ngang hàng (peer-to-peer) và hệ thống thanh toán – tức là toàn bộ mạng internet ngày nay – bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với những công cụ tuyệt vời cho phép bất cứ ai cũng có thể bán hàng trực tiếp cho một người bất kỳ trên trái đất. Vậy một creator ở Bend, Oregon có thể bán – và có thể chuyển tận tay – một bài hát đến một người ở Katmandu, Nepal cũng dễ như một hãng thu âm ở New York (thậm chí còn có thể dễ hơn). Công nghệ mới này cho phép creator giữ được mối quan hệ thân thiết, nhờ đó khách hàng trở thành fan, và cũng nhờ đó creator được giữ toàn bộ tiền, và điều này giúp giảm số fan cần thiết. (Còn nữa)