Người Việt Nam có chung một căn bệnh: cầm bài tập ngữ pháp (viết lại câu, chia động từ) thì làm rất lẹ, nhưng cầm tờ báo tiếng Anh thì nhìn xuôi nhìn ngược một lúc vẫn không hiểu người ta viết gì. Không chỉ học sinh phổ thông, đến cả sinh viên đại học cũng thường phàn nàn với tôi rằng sao đọc sách báo của Tây khó quá, mấy cuốn luyện thi IELTS với TOEIC đọc còn hiểu, chứ tiểu thuyết hay tạp chí thì tra từ điển cả ngày cũng chưa chắc đọc nổi mươi trang. Vậy để giúp bạn cải thiện kỹ năng đọc, dưới đây tôi chỉ ra một số sai lầm phổ biến, cách khắc phục và nguồn download sách và tạp chí tiếng Anh (FREE). Lý do thất bại #1 Dùng từ điển kém chất lượng. Trước khi trả lời về kinh nghiệm tập đọc, tôi thường hỏi các bạn khi đọc thì dùng từ điển gì. Câu trả lời phổ biến bao gồm: kim từ điển, Vdict, Lạc Việt, Tratu.vn, và một số từ điển Anh Việt khác. Tra từ mới bằng các cách trên có ba hạn chế: 1) Định nghĩa không chính xác và không đầy đủ, cách liệt kê hết sức lộn xộn 2) Số lượng từ ít ỏi, không cập nhật những từ mới xuất hiện trong tiếng Anh 3) Phần phiên âm thiếu chính xác, dẫn đến việc đọc sai từ. Lời khuyên chung của tôi đối với bất cứ ai muốn học tiếng Anh nghiêm túc: tìm mua một bộ từ điển thật tốt trước cả khi học chữ “Hello”! Về vấn đề chọn từ điển và link download FREE, xin tham khảo thêm tại: Chọn từ điển thế nào? (P1) Chọn từ điển thế nào? (P2) (Free) Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (OALD) cho mobile. #2 Dùng từ điển sai cách Trở ngại lớn nhất khi đọc là phải tra quá nhiều từ và thời gian tra quá lâu, dẫn đến việc mỗi trang sách phải đọc mất cả tiếng đồng hồ. Dưới đây tôi trả lời những câu hỏi phổ biến liên quan đến vấn đề trên. Tra tất cả những từ không biết hay chỉ tra một vài từ, còn lại đoán nghĩa? Lời khuyên hay gặp nhất là vừa đọc vừa đoán, chỉ tra khi nào thấy câu quá khó hiểu. Ý kiến của tôi là bất cứ từ mới nào bạn cũng phải tra. Nếu vốn từ vựng của bạn chỉ khoảng 2000 từ (giống với phần đông người Việt Nam) và lúc nào bạn cũng chỉ đoán mò nghĩa, bao giờ số từ của bạn mới lên đến 30.000 (một người Mỹ học hết đại học sẽ biết bằng này từ)? Câu trả lời là không bao giờ. Đọc hết những nghĩa được liệt kê hay chỉ đọc một nghĩa? Chỉ tìm đến định nghĩa giúp bạn hiểu nội dung đang đọc, tìm được rồi phải dừng lại ngay, tránh sa đà vào việc đọc liền một lúc vài chục định nghĩa và chẳng nhớ gì. Tra từ cách nào nhanh nhất? Mặc dù từ điển giấy rất đẹp và tạo cảm giác rằng chúng ta đang học tập nghiêm túc, lời khuyên của tôi là sử dụng từ điển mobile: mỗi lần tra từ chỉ mất hai giây. Thời kỳ tôi học tiếng Anh, di động chưa phổ biến nên tôi chế ra một cách cầm và lật từ điển giấy với tốc độ tương đương, nhưng đó là câu chuyện khác. Tuy nhiên mobile chưa phải cách nhanh nhất, vì bạn vẫn phải mở điện thoại và gõ từng ký tự. Nếu thực sự đọc nhiều (ví dụ như tôi mỗi ngày đọc tiếng Anh 8 giờ), bạn nên mua một chiếc Kindle và bỏ ebook vào đó, gặp từ mới chỉ cần ấn ngón tay lên từ là định nghĩa hiện ra, rất nhanh và chính xác. Kindle Paperwhite còn có chức năng Vocabulary Builder, tự động ghi chép lại những từ bạn tra dưới dạng flashcard và lưu riêng một chỗ, rất tiện. #3 Đọc những tài liệu quá khó Cũng như từ điển, tài liệu đọc cần được sàng lọc kỹ lưỡng, tránh việc đọc được vài trang thì bỏ vì khó hoặc chán. Lời khuyên phổ biến là tập đọc bằng những sách văn học loại classics (kinh điển). Phần đông sa vào con đường này cũng vì những cuốn classics thường rất rẻ (50k-100k), đặc biệt là loạt sách của Wordsworth bán tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi coi đây là sai lầm vì hai lý do: Nhiều từ cần tra: Classic thường có tuổi đời từ 100 năm trở lên, do đó tiếng Anh mà bạn đọc trong những sách này là tiếng Anh cũ và thuộc loại literary (chỉ dùng cho sách văn học), rất khác so với tiếng Anh hiện nay và không thể tìm thấy nghĩa trong những từ điển tầm trung, kể cả OALD; chưa kể đến lối dùng từ văn hoa bóng bẩy của các nhà văn thời kỳ trước sẽ khiến bạn nản ngay sau vài dòng. Nếu vẫn muốn đọc những sách này, tôi khuyên bạn mua bản mềm bộ OED (The Oxford English Dictionary) hoặc Oxford Dictionary of English (phiên bản rút gọn của bộ trên). Quá dài: Độ dài thường từ 500 đến 1000 trang. Ví dụ như cuốn Middlemarch rất nổi tiếng của George Eliot, dài 1000 trang chữ nhỏ. Tôi tin phần lớn không có kiên nhẫn đọc hết 1000 trang sách, dù là tiếng Việt. Để tập đọc tiếng Anh, tôi khuyên nên chọn những nội dung bạn thích (nấu ăn, du lịch, máy móc, âm nhạc) và dài cỡ 200 trang trở xuống. Cách khắc phục #1 Đọc gì? Thời gian đầu tập đọc, tôi khuyên bạn tránh xa tiểu thuyết và các loại văn học, thơ. Lý do là từ ngữ quá văn hoa nên phải tra từ liên tục, dễ dẫn đến nản chí. Nên đọc non-fiction (khoa học thường thức, self-help, lịch sử, tiểu sử người nổi tiếng) vì bạn có thể dễ dàng chọn nội dung mình ưa thích (phân loại rõ ràng, cả quyển sách chỉ nói về một chuyện) và câu văn mạch lạc, từ dùng đơn giản, thường chỉ mất công tra từ khoảng mươi trang đầu, phần sau đều lặp lại cả, lúc đó đọc rất nhanh. Để tìm được cuốn non-fiction phù hợp và chỗ download (FREE), xin mời xem phía dưới. Nhiều bạn không có thói quen đọc sách, ngay cả sách tiếng Việt. Vậy tôi khuyên những bạn này đọc báo tiếng Anh. Tin tức thời sự thì hơi chán, bạn có thể đọc các chuyên mục văn hóa, giải trí để đỡ nhàm. Các trang phổ biến nhất bao gồm CNN, BCC, New York Times. #2 Nguồn tài liệu Recommend sách hay: https://www.goodreads.com/ là cộng đồng đọc sách uy tín nhất thế giới hiện nay. Bạn chỉ cần log in (bằng facebook) và vào mục Recommendation, hàng loạt những sách nổi tiếng ở Anh và Mỹ sẽ hiện ra, tha hồ lựa chọn. Sách giấy: Phổ biến nhất ở Việt Nam là sách của NXB Wordsworth, nhưng tôi khuyên không dùng loại này vì sách không có chú thích và lời dẫn nhập chi tiết. Hơn nữa, nếu sách bạn chọn được dịch từ một tiếng khác sang tiếng Anh, bản dịch thường rất cổ (để không phải trả tác quyền) và không phải những bản dịch tốt nhất. Nên mua sách của Oxford, Cambridge, Routledge, Modern Library, Doubleday, đặc biệt là Penguin. Thi thoảng có thể gặp những sách này ở hàng sách cũ tại Sài Gòn và Hà Nội, nhưng nguồn sách hạn chế. Tôi khuyên mua ở trang này: http://www.betterworldbooks.com/, sách rẻ mà phong phú, free ship toàn thế giới. Giá trung bình từ 5 đến 10 USD / cuốn. Sách trên Amazon thì phí ship quá đắt. Ebook:Nếu có tiền, bạn hãy mua ebook có bản quyền trên Amazon. Nếu không, đây là một số trang chuyên cung cấp link download sách miễn phí, gần như không thiếu một loại nào. Sách tải xong nên cho vào máy Kindle, đọc cho đỡ hại mắt. http://avxsearch.se/ http://b-ok.org/ http://forum.mobilism.org/