Lúc trần truồng em xanh như đêm Cuba

Bài dưới đây dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha “Soneto XXVII” của Pablo Neruda.

Pablo viết Sonet 27 để ngợi ca thân xác người tình. Ông tả người con gái mình yêu ở hai thế giới khác nhau: ban đêm và ban ngày. Trong màn đêm yêu đương, thân xác cô gái là cả một vũ trụ riêng vô cùng rực rỡ, có vầng trăng, có dàn nho, có sao trời…Nhưng khi bình minh lên, người tình nồng cháy đêm qua bỗng chui vào đường hầm và ánh hào quang của nàng biến mất: trút lá, khoác xiêm y, trở thành một con người như bao người khác.

Toàn bộ bài này tôi thích nhất câu “Lúc trần truồng em xanh như đêm Cuba/ em có vườn nho và sao trời trên mái tóc”. Phải thú thực tôi đã đọc câu “em xanh như đêm Cuba” từ rất lâu rồi nhưng không hiểu (vì thế nên trì hoãn không dịch). Phải mãi đến sau này, khi được ngắm người yêu vào một đêm trăng lên sau mưa, tôi mới đột ngột nhận ra điều Pablo muốn tả. Đúng là có những điều không thể hiểu được nếu không tự trải qua.

 


Lúc trần truồng em giản đơn như bàn tay em vậy

mềm mại, thơm mùi đất, nhỏ xinh, tròn trĩnh và trong veo

em có đường cong như vầng trăng và trái táo

lúc trần truồng em mảnh mai như hạt gạo trần truồng

 

Lúc trần truồng em xanh như đêm Cuba

em có vườn nho và sao trời trên mái tóc

lúc trần truồng em bao la, em rực rỡ ánh vàng

em chói chang như thánh đường dát vàng giữa trưa mùa hạ

 

 

Lúc trần truồng em nhỏ xinh như chính móng tay em vậy

cong cong, mảnh khảnh, hồng hồng

thế rồi bình minh lên

và em lặn sâu vào lòng đất

 

áo quần và công việc thường ngày

làm thành đường hầm dài tăm tối

dập tắt trong em vẻ rạng rỡ huy hoàng

khoác cho em xiêm áo

tuốt bỏ lá trên thân

và một lần nữa em quay lại

chỉ là một bàn tay trần truồng.

Lớp Méo Miệng
Sắp Khai Giảng!