Nghệ thuật ngắm mây: Bạn có muốn trở thành nhà ngắm mây chuyên nghiệp?

Tôi muốn đi bên cạnh cuộc đời

Trăm năm theo dõi đám mây trôi

  – Thế Lữ

 

Hôm trước đang dạy một lớp Méo, không hiểu chúng mình nói gì mà câu chuyện rẽ sang đề tài…ngắm mây. Chỉ nói vài câu là mình nhớ lại ngay một quyển sách kỳ lạ đọc hồi 2013, tên là A Cloudspotter’s Guide (Hướng dẫn ngắm mây). Kỳ lạ ở chỗ đó là lần tiên mình biết trên đời có những người rất thích ngắm và chụp ảnh mây. Không những thế, họ còn đặt tên cho từng loại mây nữa.

Năm 2004, một thầy giáo người Anh tên Gavin Pretor-Pinney ra mắt The Cloud Appreciation Society (Cộng Đồng Ngắm Mây) nhân dịp ông đến giảng tại Cornwall. Trước đó ông nghĩ sẽ chỉ có một số ít người quan tâm và không đặt nhiều hy vọng vào dự án mới này. Gavin không ngờ sau buổi ra mắt, số người đăng ký tham gia cộng đồng quá lớn và ông lập ra website https://cloudappreciationsociety.org, tổ chức chính thức dành cho những người ngắm mây trên toàn cầu.

Tính đến năm 2017, trang web đã có 42.000 thành viên đến từ 115 quốc gia. Năm 2006, ông xuất bản cuốn A Cloudspotter’s Guide, cuốn sách đầu tiên trên thế giới nói về việc…ngắm và phân loại mây.

Khi bé chúng ta ai cũng có lúc nhìn lên trần nhà hoặc bầu trời và tưởng tượng ra những hình thù kỳ lạ. Thường đó là những hôm nghỉ học hoặc bị ốm nằm nhà: mình quá mệt mỏi hoặc quá buồn chán để làm bất cứ điều gì, và thế là mình nhìn qua cửa sổ, theo dõi những đám mây trắng tinh thay đổi hình dạng từng giây một.

Logo của cộng đồng ngắm mây

Lớn lên chúng ta gần như không bao giờ làm việc ấy nữa.

Mình sống trong những cái hộp và hiếm khi nhìn lên bầu trời: ai cũng ở trong nhà cao tầng mọc san sát, sáng dậy bước lên tàu xe chật chội để đến ngồi trong những văn phòng hoặc lớp học kín bưng, chiều về tạt vào một quán nước hay hàng ăn, nơi “cái view” duy nhất là view sang…cửa nhà đối diện. Tối lại nằm in trong một cái hộp bê tông.

Khoảnh khắc duy nhất khiến mình nhìn mây có lẽ là khi gió nổi lên và trời tối sầm lại: mình nhìn những đám mây đen sì để biết chắc trời có mưa hay không. Nhìn, chứ không ngắm.

Vài lần hiếm hoi đi du lịch vào chỗ núi cao, mình thường nhìn những đám mây có hình thù kỳ lạ và tự hỏi mây ấy ở đâu ra, liệu có ai đặt tên cho chúng như đặt tên cho hoa cỏ hay không?

Những đám mây này gọi là Altocumulus mammatus

Ai đặt tên cho mây?

Năm 1896 một nhóm nhà khí tượng học cùng chung sở thích đã nhóm họp để phân loại và đặt tên cho mây. Nhóm này gọi là “Hội đồng mây” do giáo sư Hildebrand đứng đầu. Tuy nhiên một hệ thống tên cho mây đã được thiết lập trước đó bởi nhà khí tượng học nghiệp dư Luke Howard. Năm 1802 Howard đưa ra hệ thống phân loại mây, mô phỏng theo hệ tên Latin Linnean vẫn dùng để đặt tên và phân loại động thực vật. Howard là người đầu tiên trên thế giới gọi mây bằng những cái tên như: Cumulus, Stratus, Cirrus…

Hội đồng mây của Hildebrand, trong một nỗ lực làm cho di sản của Howard trở nên chính xác và khoa học hơn, đã xuất bản cuốn The International Cloud Atlas chứa rất nhiều tranh ảnh minh họa phân loại 10 nhánh mây chính.

 

Đám mây nổi tiếng nhất: Cumulus

Hãy nhớ lại những đám mây chúng ta vẽ hồi trẻ con. 99% mọi người sẽ vẽ một đám mây như thế này:

 

Đám mây mà ai cũng biết và ai cũng tưởng tượng ra có tên Cumulus, tiếng Latin nghĩa là “một đống”. Mây Cumulus là loại mây thường thấy nhất trên bầu trời, đặc biệt vào những ngày nắng đẹp.

Hình ảnh loại mây này phổ biến đến mức chúng được sử dụng cho gần như tất cả các chương trình dự báo thời tiết trên thế giới. Năm 1975, chương trình dự báo thời tiết của BBC đặt hàng với nhà thiết kế Mark Allen để có một biểu tượng phù hợp; Mark đã vẽ một đám mây Cumulus và logo rất đơn giản này được dùng đến tận năm 2005.

Biểu tượng đám mây của BBC

Mây trong thần thoại và tôn giáo

Nhìn vào hội họa và sách cổ, mình có thể chắc chắn người xưa ngắm mây nhiều hơn chúng ta bây giờ: hình ảnh mây tràn ngập mọi tác phẩm.

Bay lơ lửng giữa thiên đường và trần gian, mây trở thành biểu tượng tôn giáo hoàn hảo. Đối với rất nhiều họa sĩ Ki-tô giáo thời Phục Hưng, những đám mây Cumulus tinh khiết là thứ duy nhất ngăn cách thiên đường với trần gian đầy tội lỗi. Mây xuất hiện khắp nơi trong các bản văn của đạo này.

Ở sách Xuất Hành, Thiên Chúa bước ra từ một đám mây trên đỉnh Sinai (Chúa phán với Mô-sê “Này Ta sẽ đến với ngươi trong làn mây u huyền”) và đứng trong một cột mây để dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập (“Đức Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy.”)

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Jesus sống lại và bước vào một đám mây để lên trời. Sách Mát-Thêu dẫn lại lời Jesus trả lời các thượng tế rằng Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa sẽ “ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.

Trong truyền thống Do Thái, Đấng Cứu Thế (tức Mesiah) được gọi là Bar Nifli: Con trai của mây.

Mỗi liên hệ giữa mây và các đấng thần thánh không chỉ giới hạn trong tín lý Ki-tô/ Do Thái. Đạo hồi tin rằng Allah là một đám mây trước khi ngài hiện xuống. Raiden, thần sấm sét của Nhật, ngăn người Mông Cổ xâm lược bằng cách ngồi trên một đám mây và tung sấm sét xuống thuyền địch. Và tất nhiên, Tôn Ngộ Không, một chú khỉ đi lấy kinh Phật, di chuyển bằng mây.

 

Ngắm mây để làm gì?

Ngắm mây có lẽ là việc vô nghĩa nhất mà bạn có thể làm, vì nó thay đổi màu sắc, hình dáng chỉ trong vài giây.

Cái đẹp bạn nhìn thấy chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc và biến mất mãi mãi. Chúng ta  ngắm mây để nhắc nhở bản thân phải quý trọng khoảnh khắc hiện tại, rằng mọi điều chỉ là phù vân, tất cả đang thay đổi và đang biến mất. Kể cả tình yêu, thứ đáng lẽ ra phải là vĩnh cửu.

Pablo Neruda đã đúng khi ông viết “Tình yêu […] trôi mãi mãi như con sông dài rộng/ Đổi bến bờ và đổi những môi hôn”.

Khi ngắm mây mình hay tưởng tượng đủ loại hình thù: khi thì chó mèo, khi thì người đánh nhau, ôm nhau, hôn nhau, thật là kỳ diệu. Mây giúp chúng ta nhớ rằng vẻ đẹp có thể nằm trong những thứ gần gũi và tầm thường nhất. (Có ai lại bảo rằng “Mình hãy đi xem cái gì thật đẹp” rồi đi mở cửa ngắm mây không?) Mình không nhất thiết phải đi du lịch thật xa để ngắm những điều kỳ vỹ, chỉ cần ngóc đầu qua cửa sổ là đủ rồi. Và như thế mình sẽ thấy vui mỗi ngày, vì ngày nào cũng tìm thấy cái đẹp kề bên.

Ngắm mây còn có một công dụng quan trọng khác: nó là lý do để chúng ta khỏi cảm thấy tội lỗi khi ngồi không (vì ít nhất mình cũng đang ngắm mây mà!). Trong Chiến tranh và hòa bình, Tolstoy nói rằng con người luôn có mặc cảm tội lỗi nếu anh ta ngồi chơi và không làm gì cả.

“Truyền thuyết Thánh kinh nói rằng cảnh sống nhàn hạ, không lao động, là điều kiện hạnh phúc của con người đầu tiên trước khi sa ngã. Sau khi đã sa ngã rồi, con người vẫn thích nhàn hạ, nhưng sự nguyền rủa của Thượng đế vẫn đè nặng trên con người, cho nên không những nó phải đổ mồ hôi trán mới kiếm được miếng ăn, mà hơn nữa những bản tính về đạo đức của ta cũng không cho phép ta an tâm mà nhàn hạ được. Một tiếng nói thầm kín nhắc nhở ta rằng sống nhàn hạ là có tội. Nếu có thể tìm được một cảnh sống trong đó con người vẫn nhàn hạ mà lại cảm thấy mình hữu ích và đang làm tròn nhiệm vụ, thì như vậy là con người đã tìm thấy một mặt của hạnh phúc nguyên thuỷ. Và cảnh nhàn hạ bắt buộc không ai chê trách được ấy chính là cái cảnh mà cả một tầng lớp người được hưởng: tầng lớp quân nhân. Điều thú vị nhất của nghề nghiệp nhà binh chính là cảnh sống nhàn hạ vì nghĩa vụ và không ai chê trách được đó.”

Hãy đọc lại câu này: Nếu có thể tìm được một cảnh sống trong đó con người vẫn nhàn hạ mà lại cảm thấy mình hữu ích và đang làm tròn nhiệm vụ, thì như vậy là con người đã tìm thấy một mặt của hạnh phúc nguyên thuỷ. Vậy mỗi khi quá mệt mỏi với cuộc sống hàng ngày, hãy tìm một khung cửa sổ và ngước nhìn lên những đám mây, bạn sẽ lại được hạnh phúc như Adam và Eva trên vườn địa đàng, vì lúc ấy bạn không làm gì cả, nhưng thực ra bạn vẫn ngắm mây.

Hãy ngước lên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp chóng qua của bầu trời và luôn nhớ phải sống với đầu óc lơ lửng trên mây. – Trích tuyên ngôn của Cộng đồng ngắm mây

Tài liệu tham khảo:

The Cloudspotter’s Guide –  Gavin Pretor-Pinney, 2006

Thánh Kinh Cựu Ước, bản dịch của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn

Thánh Kinh Cựu Ước, bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ

Chiến tranh và Hòa Bình, NXB Văn Học, 1981

Lớp Méo Miệng
Sắp Khai Giảng!