Năm nay mình ít đọc sách mới. Phần vì bận làm một nghề mới (bán nước ở Rong Chơi), phần vì 2020 là một năm nhiều chiêm nghiệm cá nhân nên chủ yếu đọc lại sách cũ thôi. Đến khoảng 3 tháng trước thì có bạn giới thiệu cho mình cuốn The Psychology of Money, đúng vào lúc mình đang có nhiều băn khoăn về tiền bạc cho nên cố đọc thử dù bìa…hơi xấu. Đúng thật không nên đánh giá quyển sách qua cái bìa các bạn ạ, mẹ ôi sách hay quá trời. The Psychology of Money xuất bản vào tháng 9 năm 2020. Lúc này dịch bệnh đã làm chao đảo cả nước Mỹ, nơi vốn được coi là thiên đường, là quốc gia dẫn đầu thế giới, bất khả chiến bại trước mọi kẻ thù. Bệnh tật, cách ly xã hội cộng với nền kinh tế lao dốc là cú sốc quá nặng đối với người Mỹ. Nó đã khiến họ phải suy nghĩ lại về tiền bạc và về phong cách sống quá sức “kế toán” của dân Mỹ từ trước đến nay. Trước đây, khi nói về tiền, người Mỹ chỉ nói về tham vọng làm giàu, về cách làm giàu hoặc cách quản lý tài chính cá nhân, với một thước đo giá trị cuộc sống duy nhất là số đô la có trong tài khoản. The Psychology of Money đánh giá lại thái độ sống này. Tác giả Morgan Housel cho rằng khi đưa ra các quyết định liên quan đến tiền, chúng ta vẫn nghĩ rằng mình phải dựa trên các nguyên lý kế toán, nhưng thực tế thì quyết định dựa trên cảm xúc lại đưa đến xác suất thành công cao hơn và cảm giác thoải mái hơn. Ông đưa ra ví dụ về việc mua nhà: nếu nhìn vào số liệu tài chính, việc mua nhà trả góp 20 -30 năm ở Mỹ rõ ràng có lợi hơn về mặt kế toán, nhưng việc mua đứt một căn nhà bằng tiền mặt lại giúp chúng ta thoải mái hơn về mặt tâm lý, và do vậy, có chất lượng cuộc sống cao hơn. Tác giả cũng phủ nhận những lập luận theo kiểu “cứ nỗ lực bạn nhất định sẽ giàu” (vốn phổ biến trong tư duy làm giàu mà người Mỹ reo rắc đi khắp thế giới. Morgan cho rằng các tỉ phú được tạo nên bởi may mắn nhiều hơn là tài năng – một quan điểm sẽ làm phật lòng rất nhiều người. Và để chứng minh luận điểm này, ông viện dẫn trường hợp nổi tiếng của Bill Gates và người bạn xấu số của Gates (nhân vật yểu mệnh này ít được biết đến ở Việt Nam). Ông cũng dẫn Nassim Taleb rất nhiều lần khi chứng minh rằng phương pháp toán học cứng nhắc có thể làm hại chúng ta nếu áp dụng nó vào vấn đề tiền bạc. Cuốn này tuy mới ra nhưng được dân Mỹ đọc rất nhiều. Xét hoàn cảnh thê thảm của nước Mỹ và nội dung cuốn sách, tôi thấy không có gì lạ. Hiếm khi có một cuốn sách viết về tiền mà thông thái và bình tĩnh như thế này. The Psychology of Money có thể sánh ngang với một cuốn nữa mà tôi rất thích và ít khi recommend vì…sợ người khác cũng thích mất, đó là How to Get Rich của tỷ phú Felix Dennis. Tôi có đề cập khá nhiều tới cuốn sau trong bài TẠI SAO BẠN KHÔNG NÊN LÀM GIÀU. Sách mới chắc Việt Nam chưa ai nhập về, tầm này chỉ nên mua ebook chứ đặt sách giấy chắc không về được đâu các bạn nhé. Từ giờ đến Tết âm mình sẽ cố gắng review thêm một số sách hay để các bạn có cái mà đọc xuyên Tết ạ.