Bạn đã biết uống trà đúng cách?

Ngồi uống trà thong dong là một thú nhàn tản mà thế giới hiện đại đã bỏ đi để tăng hiệu suất làm việc và lợi nhuận.

Người đầu tiên nghĩ ra việc uống trà vào lúc 4 giờ chiều quả là một bậc thiên tài. Bởi vì 4 giờ chiều đánh dấu thời điểm trong ngày khi năng lượng của chúng ta thay đổi. Những phút giây dài lê thê, uể oải và tẻ nhạt từ 2h đến 4h, khi người đi làm chẳng làm được việc gì còn những người khôn ngoan biết sống nhàn hạ thì đi ngủ trưa, cuối cùng đã kết thúc, và bộ não một lần nữa lại thức dậy. Đây không phải lúc để lao động, nhưng là lúc để suy tư về công việc.

Giờ trà là thời điểm thích hợp để trò chuyện nhẹ nhàng, ngồi suy nghĩ vẩn vơ, hút một điếu thuốc hoặc làm một công việc trí óc đơn giản. Giờ trà nên kéo dài ít nhất nửa tiếng. Tôi nhớ hồi còn làm cửu vạn (chuyên dịch vụ chuyển nhà), giờ trà là một phần tuyệt vời trong cả ngày lao động. […] Chúng tôi thường bê vác đến ướt đầm mồ hôi trong một đến hai tiếng, sau đó giải lao. Tôi thích nhịp điệu công việc này hơn là những việc văn phòng buồn tẻ: mình được lái xe đi khắp nơi (lái xe thì bao giờ cũng vui), nghỉ ăn trưa thật dài, và dĩ nhiên là còn được nghỉ uống trà nữa (tea break). Giờ trà rất thiêng liêng và được thực hiện đúng cách, không có chuyện vơ lấy một cái cốc rồi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.

Tôi cũng nhớ rất rõ rằng chính trong lúc uống trà mà câu chuyện của những anh cửu vạn có vẻ sáng tạo và mơ mộng hơn.

Tán gẫu vào buổi sáng thì người ta hay kể những chuyện cười thô tục và làm cho chính họ cũng như những người vô tội đứng xung quanh bực mình. Tuy nhiên, vào giờ trà, người cửu vạn ngả lưng ở phía  sau xe tải, cửa xe mở ra, họ nhìn về phía đường cái và bước vào một trạng thái an nhàn dễ chịu.

Các cậu ấy sẽ tả lại những nơi rất đẹp mình từng đi nghỉ, kể thật âu yếm về vợ và những đứa con, hoặc thảo luận ước mơ của các cậu ấy về một cuộc sống khá hơn.

 

Thật lạ là cách uống trà này lại có nhiều điểm chung với nghi thức uống trà của Trung Quốc và Nhật, nơi trà đi đôi với sự tìm cầu khai sáng (giác ngộ).

Cũng như mọi phát minh giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, trà được phát hiện trong một khoảnh khắc mà con người ta ngồi chơi chẳng làm gì cả.

Theo truyền thuyết, năm 2737 trước công nguyên, ông Thần Nông (Shen Nong) ở Tàu đang ngồi dưới một cái cây và nhìn vào khoảng không thì một chiếc lá từ bụi trà dại rụng ra và bay vào cốc nước sôi đặt trước mặt ông. Đấy là cốc trà đầu tiên trên thế giới.

Trong khoảng 2000 năm tiếp theo không có sử liệu nào nhắc đến trà nữa, cho đến khi nó xuất hiện trong sổ thu thuế của các nước vào năm 400 sau công nguyên. Vào khoảng thời gian này, các thiền sư Nhật Bản say mê trà như các tu sĩ Công giáo say mê vang đỏ. Các nhà sư uống trà để thiền định tốt hơn. Trà làm cho trí tuệ sắc bén và giúp họ tỉnh táo trong nhiều giờ.

Nhìn theo một cách khác, trà là công cụ giúp người ta ngồi không càng lâu càng tốt. Trà giúp mình sống một cách thong dong.

Mà xét cho cùng, thiền định chính là ngồi không, không làm gì hết. Trà tự nó trở thành một tôn giáo và người ta gọi là Trà Đạo. […]

 

Một trong những người nghiện trà rất sớm ở Anh là Dr Johnson. Ông uống trà không theo những nghi thức tinh tế phương Đông, và lúc ấy cái lệ uống trà lúc 4 – 5 giờ vẫn chưa được chế ra. Thái độ của Dr Johnson đối với trà giống với thái độ của một con nghiện chứ không phải của một thiền sư. Đây là cách ông tả về thói quen của mình:

“[Tôi là] một người nghiện trà lâu năm và uống trà vô tội vạ; trong nhiều năm tôi chỉ nuốt trôi được thức ăn với nước cốt của loại cây kỳ diệu này, và ấm nước của tôi hiếm khi nào kịp nguội; với trà tôi giải trí buổi tối, với trà tôi xoa dịu đêm khuya, và với trà tôi đón chào buổi sáng.”

Samuel Johnson, người được cả nước Anh ngưỡng mộ

Dr Johnson nổi tiếng vì số lượng trà ông đã uống và vì phong cách bỗ bã khi ông dùng trà. Một buổi tối, bạn ông, họa sĩ Joshua Reynolds quan sát thấy Dr Johnson uống tới 11 cốc đầy. Tức giận, Dr Johnson trả lời “Thưa ông, tôi đã không đếm số ly rượu của nông, vậy sao ông lại đếm số ly trà của tôi?”. Sau đó ông bớt giận và gọi thêm cốc thứ 12, để làm cho số cốc tròn thành một tá. […]

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp tăng tốc, trà dần trở nên phổ biến và bắt đầu thay thế bia trong vai trò đồ uống đặc trưng của dân tộc Anh. Có sự phát triển này là vì nhịp độ công việc mới tại các nhà máy không cho phép người dân say sưa cả ngày. Người ta mệt mỏi với công việc và cần uống cái gì cho tỉnh táo hơn.

Trong Cottage Economy (1821), […] nhà cải cách William Cobbett không đồng tình lắm với thói quen mới này:

“Loại đồ uống dần dần thay thế vị trí của bia là trà. Ai cũng biết trà không làm người ta khỏe mạnh lên theo hướng có ích: nó chẳng có chất dinh dưỡng gì, tức là, bên cạnh việc chẳng tốt cho cái gì hết, nó còn gây hại; bởi vì với nhiều người trà gây ra buồn ngủ, và với tất cả mọi người, nó làm thần kinh dao động và yếu đi. Trên thực tế, tra là một loại ma túy nhẹ, làm người ta tươi tỉnh trong chốc lát và mệt mỏi về sau. Dù ở múc độ nào, trà không hề làm cho cơ thể khỏe lên và cũng không thỏa mãn những yêu cầu của lao động. Vì vậy, trà là thứ vô dụng.”[…]

Nhưng chính sự vô ích của trà dã quyến rũ những con người hay trầm ngâm suy tưởng. Trà làm cho ngày làm việc thong dong hơn một chút, nó cho mình một lúc nghỉ, một khoảnh khắc yên tĩnh.[…]

Thomas De Quincey, trong hồi ký kinh điển của mình, Tự thú của một con nghiện Anh, biện hộ cho trà như sau:

“Từ hạ tuần tháng 10 cho đến Giáng Sinh […] là khoảng thời gian niềm vui tràn ngập muôn nơi, và niềm vui bước vào phòng chúng ta cùng với khay trà; bởi vì, dù bị dè bỉu bởi những kẻ bẩm sinh có thần kinh chai sạn hoặc trở nên chai sạn bởi uống rượu, và như thế không thể cảm biết một chất kích thích tinh tế, trà sẽ luôn là thức uống yêu thích của những người trí thức. […]”

 

Phải sau đó nữa, khoảng 1840, trà mới trở thành nghi thức xã giao trang trọng. Bắt chước một cách vụng về nghi lễ uống trà của người Trung Quốc, người Anh tạo ra cách thưởng trà riêng của mình, dù rất kịp thời nhưng bị nhồi nhét đủ thứ: những bắt buộc về xã giao, sự phô trương địa vị xã hội, sự kín đáo, ngượng ngùng và vẻ lịch sự cứng nhắc […].

Chúng ta cần làm sống lại nghi thức uống trà thường nhật và làm nó trở nên thiêng liêng. Nhưng mình phải uống trà như thế nào? Phải thưởng thức nó ra sao? Tôi nghĩ phần lớn mọi người đều uống trà sai cách, trừ khi bạn đủ may mắn để là một anh cửu vạn.

Trà không nên pha bằng máy, không nên uống trong cốc nhựa với túi lọc bơi bơi quanh thành cốc và không nên vừa uống vừa nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. […]

Trích Lâm Ngữ Đường:

“Trà phải được uống chậm rãi, nhưng xã hội hiện đại – với đồng hồ báo thức, xe đạp thể dục và sự vội vã đến sở làm, đã tạo ra trà túi lọc, một sự sỉ nhục đối với tự nhiên, và cốc trà “ăn liền” ấy là một tội lỗi nghiêm trọng […] pha trà, cũng như uống trà, phải là những việc thư thái và đầy suy tư, tâm hồn tĩnh lặng trong lúc lá trà được thoải mái thời gian mà cuộn tròn, tách ra và tỏa vào trong ấm, tinh thần bay bổng lên khi mình rót thứ chất lỏng vàng ươm.”

Thật ngạc nhiên là quá ít người uống trà pha ấm: họ đã bỏ lỡ quá nhiều. Trà túi lọc thì tiện và nhanh hơn, nhưng nó là một kiểu “uống trà vội” hoàn toàn trái ngược với tinh thần thực sự của trà. Thực ra cất nửa pound lá trà trong một hộp gần ấm đun nước không những tiện hơn mà còn đẹp và thú vị hơn mấy hộp trà túi lọc vừa to vừa xấu. Trà pha ấm cũng dễ đổ đi hơn – không còn những túi trà ướt nhẹp phun ra thứ nước nâu nâu lên thành bồn rửa bát.

Thật ra thì, trà túi lọc không phải loại nào cũng xấu

 

[…] Đối thủ của trà tất nhiên là cà phê. Giống như trà đã thay thế cho bia trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, 10 năm gần đây cà phê dần dần thay thế rượu ở Mỹ, và văn hóa cà phê kiểu Mỹ đã tràn đến Châu Âu. Cốc thì to mà cách uống thì vội vã. Trước kia kiểu uống cà phê truyền thống của người Châu Âu là uống cốc nhỏ trong quán, bây giờ ai cũng mang theo những cốc giấy to tướng đựng latte.

Chúng ta mua cà phê “mang đi”, uống xì xụp thật nhanh trong ô tô, trên tàu hỏa, trong cuộc họp, và đáng buồn nhất là uống ngay cả khi đi bộ trên đường. Chúng ta đã bị xâm lăng và làm cho ô uế bởi những cốc cà phê vô cảm.

Cà phê dành cho người chiến thắng, người muốn thành công, người không thèm uống trà, người bỏ ăn trưa, người dậy sớm, người nai lưng làm việc (vì sợ rằng lười biếng là một tội lỗi), người ám ảnh vì tiền và những kẻ điên trống rỗng trong tâm hồn cố leo cao trên bậc thang xã hội. Cà phê làm cho con người kiệt sức.

Chúng ta phải cưỡng lại cà phê mà quay về với trà, thức uống cổ xưa của các nhà thơ, các triết gia và các nhà thiền định.

Chiếp dịch từ How to Be Idle: A Loafer’s Manifesto

Tom Hodgkinson (Harper Perennial; 2007)

Lớp Viết Văn Tháng Tư
Sắp Khai Giảng!